Điều đáng mừng từ xuất khẩu túi xách, va li, gốm sứ, mây tre

Điều đáng mừng từ xuất khẩu túi xách, va li, gốm sứ, mây tre
Vấn đề này xuất phát từ kết quả xuất khẩu hàng thủ công sau 7 tháng đầu năm 2019 (theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan) và từ một số yếu tố tác động trong thời gian tới.

Hàng thủ công đề cập ở đây chủ yếu bao gồm 4 nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm.

Việc sản xuất, xuất khẩu nhóm hàng này có vai trò quan trong khi giải quyết nhiều công ăn việc làm, sử dụng được nguồn lao động dồi dào, với giá rẻ… Từ khi có Luật Doanh nghiệp và phong trào khởi nghiệp, đã có nhiều doanh nghiệp ra đời.

Nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc chi tiêu mua sắm của khách quốc tế đến Việt Nam (hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu- khoảng 15 USD/khách). Do việc sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công phần lớn khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ và hầu như không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu nên thuộc nguồn hàng hóa có tính nội lực rất cao, đồng thời là ngành có điều kiện phát triển ở nhiều khu vực, vùng miền, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của những nơi này.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng thủ công chủ yếu trong 7 tháng 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù tăng 10,6% (tăng 206 triệu USD); mặt hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 6,5% (tăng trên 50 triệu USD); mặt hàng gốm, sứ tăng 4,6% (tăng trên 13 triệu USD); mặt hàng mây tre cói thảm tăng 39,9% (tăng 76 triệu USD). Cộng kim ngạch của 4 nhóm mặt hàng trên đạt 3,536 tỷ USD, tăng 10,8%- cao hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng 345 triệu USD).

Do xuất khẩu và tiêu thụ ở trong nước tăng nên ngành công nghiệp sản xuất hàng thủ công trong 7 tháng 2019 đã tăng 12,9%, cao hơn tốc độ tăng của công nghiệp chế biến, chế tạo (10,7%) và cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành công nghiệp (9,4%).

Thị trường xuất khẩu hàng thủ công của Việt Nam tập trung chủ yếu vào Mỹ (chiếm trên 1/3) rồi EU (chiếm trên 1/5), Nhật Bản (chiếm trên 1/10), còn lại là Trung Quốc, Hàn Quốc và một số thị trường khác. Nếu kể cả xuất khẩu tại chỗ thông qua việc chi tiêu mua sắm của khách quốc tế (tương đương với khoảng 1 tỷ USD) trong 7 tháng qua thì quy mô xuất khẩu hàng thủ công còn lớn hơn nữa. 

Như vậy, trong khi tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa khác, kể cả những mặt hàng có kỹ thuật-công nghệ hiện đại hoặc những mặt hàng nông, thủy sản tăng chậm lại, thậm chí có loại còn bị giảm, thì những mặt hàng phát huy lợi thế về lao động (số lượng đông đảo, giá nhân công rẻ, tay nghề khéo léo,…) lại vẫn tăng và tăng với tốc độ cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi những mặt hàng còn lại. Hơn nữa, điều đáng mừng là tăng trưởng các mặt hàng này thường không dẫn đến nhập siêu hay phụ thuộc vào nước ngoài.

Kỳ vọng

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài khi hai nước này là 2 thị trường xuất/nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên có thể tác động không nhỏ đến xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam. 

Bảy tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam tuy vẫn tăng trưởng, nhưng tăng với tốc độ chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 (gần 8% so với trên 16%). 

Trong khi các mặt hàng nông, thủy sản, khai khoáng bị giảm, các mặt hàng có kỹ thuật- công nghệ cao (như điện thoại, máy ảnh, máy quay phim,…) tăng thấp, có loại còn giảm thì các mặt hàng sử dụng nhiều lao động (như dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ,…) vẫn tăng trưởng cao (thường ở mức 2 chữ số, cao gấp đôi tốc độ tăng của những mặt hàng còn lại). 

Như vậy, các mặt hàng này vẫn có điều kiện phát triển do ít bị ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại, ít bị ảnh hưởng của chính sách bảo hộ mâu dịch quay trở lại, do nhu cầu của người dân và của các nước vẫn còn lớn. Do đó, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước của những mặt hàng này sẽ duy trì được tốc độ tăng của 7 tháng đầu năm hoặc có thể cao hơn. 

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô dù năm 2018 đạt 3,39 tỷ USD nên nếu 5 tháng còn lại của năm 2019 vẫn duy trì được tốc độ như của 7 tháng đầu năm (tăng 10,6%), thì cả năm sẽ đạt 3,75 tỷ USD.

Cùng với đó, xuất khẩu đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận năm 2018 đạt 1,39 tỷ USD nên nếu 5 tháng cuối năm nay duy trì được tốc độ tăng như 7 tháng đầu năm (6,5%) thì cả năm 2019 sẽ đạt 1,48 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu đồ gốm, sứ năm 2018 đạt 509 triệu USD và nếu 5 tháng còn lại duy trì được tốc độ tăng so với cùng kỳ như 7 tháng đầu năm (tăng 4,6%), thì cả năm 2019 sẽ đạt 532 triệu USD.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm năm 2018 đạt 348 triệu USD nên nếu 5 tháng còn lại duy trì được tốc độ tăng so với cùng kỳ như 7 tháng đầu năm (39,9%), thì cả năm 2019 sẽ đạt 767 triệu USD. 

Cộng chung 4 mặt hàng trên thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 sẽ đạt 6,5 tỷ USD, tăng trên 13,4% so với năm 2018.

 

                                                      Theo  Minh Ngọc/Chinhphu.vn