Doanh nghiệp chế biến có thiếu tôm?

Thời tiết bất thường, giá cả không tốt đã khiến diện tích nuôi tôm chỉ phát triển cầm chừng, dẫn đến nguy cơ khan hiếm tôm nguyên liệu trong thời gian tới. Để hoàn thành mục tiêu năm của ngành, nhiều địa phương đang gắng sức phục hồi diện tích và sản lượng.

Lận đận tôm thẻ

Những tháng đầu năm 2015, thời tiết phức tạp, nền nhiệt độ trong ngày tăng cao, mưa dông xuất hiện nhiều, dịch bệnh trên tôm nuôi phát triển như : đốm trắng, hoại tử gan tụy, phân trắng… Nhiều diện tích tôm ở ĐBSCL bị mất trắng vì dịch bệnh. Cùng đó, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh. Theo đánh giá chung, việc diện tích tôm thẻ phục hồi ở Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN đã khiến giá tôm thẻ giảm mạnh.

Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng “kém đi” nhanh chóng so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích nuôi thả nuôi 6 tháng đầu năm ước tính đạt 46 nghìn ha, giảm 21% so cùng kỳ năm trước. Sóc Trăng đạt 15,5 nghìn ha, giảm 40%; Bến Tre 4,2 nghìn ha, giảm 16,8%; Bạc Liêu 3,9 nghìn ha, giảm 17,8%. Con số thống kê chính thức cho thấy, sản lượng tôm thẻ chân trắng 6 tháng ước tính đạt 110 nghìn tấn, giảm 5,4% so cùng kỳ năm 2014; trong đó, Sóc Trăng đạt 10 nghìn tấn, giảm 13%; Bến Tre 13,9 nghìn tấn, giảm 23,9%; Bạc Liêu 9,5 nghìn tấn, giảm 7,7%.

Tình hình nuôi thẻ chân trắng sẽ khó khả quan vì điều kiện khí hậu thời tiết từ mùa hè trở đi nhiệt độ đang có dấu hiệu nhiều diễn biến bất thường, mặn xâm nhập nhiều.

 

Tôm sú “bùng nổ”

So với tôm thẻ, tôm sú vẫn được tiêu thụ ổn định vì tôm sú Việt Nam ít chịu ảnh hưởng về sự cạnh tranh trên thị trường, ngoài ra, ưu thế chất lượng tôm sú nuôi quảng canh cũng ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng so với tôm nuôi công nghiệp.

Tôm sú vẫn được tiêu thụ ổn định - Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Diện tích nuôi tôm sú 6 tháng ước đạt 502 nghìn ha, tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước. Kiên Giang đạt 91,5 nghìn ha, tăng 6,6%; Bạc Liêu 75,7 nghìn ha, tăng 4,9%; Tiền Giang 3,4 nghìn ha, tăng 43%. Một vài địa phương giảm về sản lượng, như Cà Mau đạt 45,4 nghìn tấn, giảm 17%; Trà Vinh 3 nghìn tấn, giảm 25%. Tuy nhiên, sản lượng tôm sú giảm là do dịch bệnh phát sinh chứ không phải do người dân hạn chế nuôi.

Vấn đề thách thức với tôm sú tại ĐBSCL là quá trình chuyển dịch từ quảng canh sang thâm canh, nuôi công nghiệp thì dịch bệnh có nguy cơ tác động nhiều hơn, trên diện tích lớn hơn. Đây là mối lo lớn của những người nuôi tôm sú, bởi vậy nhiều diện tích chưa được nuôi thả.  

 

Tôm nguyên liệu liệu có thiếu?

Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung tôm nguyên liệu trong thời gian cuối năm. Vùng ĐBSCL diện tích nuôi chỉ đạt 34,8 nghìn ha, giảm 26,5% so cùng kỳ năm ngoái, sản lượng đạt 66,1 nghìn tấn giảm 22,2%.

Sang tháng 6, giá tôm nguyên liệu đang tăng rất nhanh do sản lượng tôm nguyên liệu giảm nghiêm trọng.  Trong nửa đầu tháng 6, giá tôm sú và thẻ chân trắng tại Tiền Giang tăng 13.000 - 20.000 đồng/kg. Nếu giá tôm thẻ tháng 3/2015, khoảng 72.000 - 85.000 đồng/kg, thì hiện đã lên đến 100.000 - 105.000 đồng/kg.

Vấn đề nan giải hiện nay là diễn biến thời thiết thất thường và dịch bệnh đang có xu hướng phát triển tại ĐBSCL, nhất là ở những vùng nuôi xen lẫn giữa quảng canh với công nghiệp mà hệ thống xử lý nước thải không khoa học. Tuy vậy, nếu có sự quản lý theo dõi chặt chẽ về dịch bệnh, đồng thời có những phương pháp chăm sóc, cho ăn và chữa bệnh tôm kịp thời thì khả năng nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ được ổn định trong thời gian tới. 

>> Theo người nuôi, giá tôm tăng chủ yếu do các doanh nghiệp đi “tận thu” về chế biến. Giá tôm hiện nay được xem là tích cực, vì giá thành nuôi thẻ vào khoảng 70.000 đồng/kg. Ước tính người dân có lãi khoảng 350 - 500 triệu đồng/ha đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Nguyên Anh
theo thuysanvietnam