Doanh nghiệp thủy sản vượt khó

Doanh nghiệp thủy sản vượt khó
Năm 2013, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhưng với những nỗ lực của các doanh nghiệp trong tỉnh thì tình hình sản xuất, xuất khẩu bước đầu đã khởi sắc. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng hiện nay là thiếu lao động có tay nghề làm cho doanh nghiệp hoạt động không hết công suất.

Nỗ lực của doanh nghiệp

Theo Sở Công thương tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7-2013 ước đạt 21,017 triệu USD, bằng 135,11% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 triệu USD, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2012. Theo đánh giá của ngành chức năng, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 dù tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn giảm so với tháng trước. Nguyên nhân là vì tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản hiện đang gặp nhiều khó khăn do tuân thủ các quy định về xuất khẩu, rào cản kỹ thuật, ảnh hưởng suy giảm kinh tế thị trường xuất khẩu bên ngoài khó khăn, nguồn nguyên liệu trong nước thiếu hụt do thời tiết diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu. 

Năm nay được nhận định là một năm tiếp tục khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn thì tình hình không quá bi đát. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhận định: Thời gian qua, ngành thủy sản phải đối diện với hàng loạt khó khăn do khủng hoảng kinh tế và chịu ảnh hưởng xấu bởi hội chứng tôm chết sớm. Nhưng với những nỗ lực của doanh nghiệp cũng như phương hướng kinh doanh riêng thì lợi nhuận năm 2013 của doanh nghiệp tương đối khả quan. Công ty tiếp tục đầu tư phát triển bền vững, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hướng tới mục tiêu doanh số xuất khẩu khoảng 180 triệu USD trong năm nay.

Do ảnh hưởng của năm 2012, tình trạng dịch bệnh tràn lan xảy ra ở một số tỉnh, thành khiến vấn đề thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu càng trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, một số nước xuất khẩu thủy sản lớn do diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nên tác động đến sức mua. Tôm chết hàng loạt đã đẩy tôm nguyên liệu khan hiếm trên toàn cầu làm giá đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, do ảnh hưởng của việc thiếu hụt nguồn cung nên giá tôm xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản… có xu hướng nhích lên ở những tháng cuối năm nay. Đại diện Công ty TNHH Hải sản Việt Hải, cho rằng: Do ảnh hưởng của năm 2012 nên tôm nguyên liệu tăng giá cao hơn năm trước và đẩy giá tôm xuất khẩu tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, lợi thế của các doanh nghiệp trong tỉnh là năm nay một số nước xuất khẩu thủy sản lớn cũng chịu ảnh hưởng của dịch hại, đây là cơ hội để doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tranh thủ xuất thêm hàng.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, việc tiết kiệm chi phí luôn là giải pháp hàng đầu của các doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất. Cùng với cơ cấu, tổ chức lại sản xuất để giảm bớt khó khăn, doanh nghiệp đã tìm ra hướng đi mới là đa dạng hóa sản phẩm, thay vì xuất khẩu con cá tra như trước đây. Tập trung sản xuất tôm và các mặt hàng giá trị gia tăng để tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, chủ động điều chỉnh giảm công suất hoạt động nhằm duy trì kết quả sản xuất kinh doanh với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 triệu USD.

Thiếu lao động có tay nghề

Cùng với việc thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến thì lo lắng lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp trong tỉnh chính là nguồn lao động. Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, cho rằng: Khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là nguồn nhân lực. Doanh nghiệp luôn duy trì chặt chẽ quy trình sản xuất, buộc công nhân phải tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các thao tác về vệ sinh, an toàn lao động. Chính vì điều kiện làm việc của doanh nghiệp tương đối khắt khe nên nhiều nhân viên không chịu nổi đã rời bỏ công ty.

Theo Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang,  với công suất nhà máy thiết kế có thể đáp ứng trên 10.000 lao động, nhưng hiện công ty mới tuyển dụng có 3.000, trong đó nguồn lao động địa phương chỉ chiếm khoảng 40%, số còn lại chủ yếu là các tỉnh lân cận. Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 7.000 lao động mới có khả năng đáp ứng 100% công suất hoạt động. Thế nhưng, khó khăn hiện nay là do lượng công nhân đa số ở xa nên tốn nhiều chi phí, thời gian đưa đón, trong khi nguồn lao động ở địa phương lại chưa đáp ứng được yêu cầu vì tay nghề thấp, chưa quen với môi trường làm việc nên tỷ lệ bỏ việc còn cao.

Ông Nguyễn Trung Liệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: Hiện nay, ngành đã tiến hành mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề chuyên môn cao, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Ngoài ra, còn tổ chức lồng ghép vào các lớp đào tạo nghề để phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động, chế độ, chính sách cho người lao động. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiến hành làm việc với các doanh nghiệp để khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động, để từ đó có định hướng phát triển ngành nghề cho lao động nông thôn.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, vừa qua, Đoàn công tác của UBND tỉnh cũng đã có chuyến thăm và làm việc với các doanh nghiệp nhằm lắng nghe những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất. Tại các buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh khẳng định: Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản nói riêng là một trong những đơn vị góp phần trong việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Bên cạnh mở các lớp đào tạo nghề cho lao động, các sở, ban, ngành tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo được tiếng nói chung, nhằm giữ vững ổn định chất lượng, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lao động, tạo việc làm cho lao động địa phương…

Nguồn: baohaugiang.com.vn