Đổi mới cách tiếp cận thị trường

Nông sản Việt Nam đang gặp khó khăn trong khâu tìm thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhiều nước điều chỉnh tỷ giá càng gây thêm áp lực. Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi riêng với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.
Xin ông cho biết, vì sao các sản phẩm nông sản của Việt Nam có chất lượng tốt lại khó tiếp cận các thị trường tiêu thụ?

Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: cà phê, tiêu, điều... nhưng chưa biết cách tiếp cận thị trường. Chúng ta phải có đội ngũ làm thông tin thị trường bài bản, có người theo dõi thường xuyên, có đội ngũ chuyên gia ngành hàng để tư vấn, dự báo thường xuyên. Đặc biệt, phải có các tổ chức phát triển ngành hàng chuyên nghiệp, để họ kết nối với kênh phân phối chuẩn ở các thị trường XK. Vì nếu chúng ta cứ làm ra nhiều sản phẩm, tự bán hàng theo hệ thống của riêng, chuyển sang các nước mới tìm người mua hàng thì rất rủi ro. Nếu chúng ta có kênh phân phối lớn, làm được thương hiệu, XK theo hợp đồng đảm bảo thì nông sản XK sẽ đỡ rủi ro. 

Vậy Bộ NN&PTNT đang làm gì để cải thiện vấn đề này, giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản?

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang cố gắng “khơi thông” các thị trường cho nông sản. Thứ nhất, với các thị trường mới thì tập trung xây dựng hồ sơ các ngành hàng, sản phẩm để đề nghị họ chấp nhận cho hàng nông sản của Việt Nam gia nhập thị trường. Thứ hai, trao đổi thường xuyên với đối tác về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, giới thiệu với họ về quy trình sản xuất để nâng cao uy tín đối với hàng nông sản Việt Nam. Nhờ đó, thời gian qua, nhiều hàng nông sản Việt Nam đã mở thêm được thị trường mới như vải được xuất sang Australia, Mỹ; thanh long được xuất sang Australia, Nhật, Nga...

Tuy nhiên, vẫn cần sự tham gia quyết liệt của Bộ Công Thương trong khâu kết nối để giới thiệu hàng nông sản vào các mạng lưới phân phối có uy tín ở trong và ngoài nước.

Việt Nam đang đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, việc này sẽ giúp gì trong việc tiêu thụ nông sản thưa ông?

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ ký nhiều hiệp định thương mại lớn nên thuế XK nhiều mặt hàng sẽ giảm về mức thuế 0%. Đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh XK nhiều mặt hàng nông sản. Chúng ta nên tận dụng cơ hội để tập trung XK những ngành hàng có thế mạnh như: cà phê, tiêu, điều, chè, lúa gạo, đồ gỗ, thủy sản... 

Hiện nay, các ngành hàng, các chuỗi giá trị đều đã xác định được ra các sản phẩm chủ lực để cạnh tranh quốc tế, từ đó tập trung đầu tư, đặc biệt là sản xuất hàng hóa có quy mô lớn. Nhưng việc triển khai ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, cần phân loại để chọn ra những doanh nghiệp dẫn đầu. Những doanh nghiệp này sẽ kết nối với nông dân, các hợp tác xã để hình thành chuỗi sản xuất và phân phối sản phẩm hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

 
Hữu Vinh - Lê Nghĩa - Văn Toán
theo http://baotintuc.vn/