Dư địa cho xuất khẩu rau quả

Từ ngày 2/9, sản phẩm chuối của Việt Nam chính thức được bán tại hệ thống siêu thị của AEON - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản. Đây tiếp tục là một tin vui đối với sản phẩm rau quả đồng thời khẳng định, dư địa cho xuất khẩu (XK) mặt hàng này còn rất lớn.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả dự báo tăng mạnh trong năm 2016

Liên tục nhận tin vui

Trong khuôn khổ Triển lãm hàng Việt Nam (VIET NAM FAIR) tại tỉnh Saitama (Nhật Bản) do Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Tập đoàn AEON tổ chức ngày 2/9 vừa qua, sản phẩm chuối của Việt Nam đã được bán tại hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản. Trước đó, từ ngày 30/4/2016, chuối Việt Nam lần đầu có mặt tại thị trường bán lẻ của Nhật Bản thông qua hệ thống siêu thị Don Kihote.

Việc chuối Việt Nam vào được chuỗi siêu thị AEON có ý nghĩa quan trọng bởi không chỉ đến với người tiêu dùng Nhật Bản một cách rộng rãi, loại trái cây này còn đến thị trường nhiều nước khác thông qua chuỗi siêu thị của AEON trên toàn cầu.

Từ đầu năm đến nay, tin vui liên tục đến với trái cây Việt như vú sữa được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ từ quý IV/2016; Úc cấp phép nhập khẩu cho trái xoài và dự kiến sẽ nhập khẩu thanh long của Việt Nam vào cuối năm 2016… Việc liên tục vào được những thị trường lớn không những giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu cho trái cây Việt Nam mà còn giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 10 năm trở lại đây, XK rau quả nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng. Đến hết tháng 7/2016, kim ngạch XK rau quả đạt 1,37 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều khả năng XK rau quả trong cả năm 2016 sẽ đạt 2,5 tỷ USD, tăng khoảng 650 triệu USD so với năm 2015.

Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đánh giá, rau quả đang là điểm sáng nhất trong bức tranh XK hàng nông sản bởi sự gia tăng kim ngạch đều đặn trong thời gian qua. Đặc biệt, dù có thời điểm hàng loạt nông sản gặp khó khăn trong XK nhưng riêng rau quả vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh.

Giải bài toán giá và chất lượng

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, khi hội nhập sâu, lộ trình thuế suất giảm dần là cơ hội cho Việt Nam gia tăng kim ngạch XK rau quả. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Do đó, người nông dân cần có ý thức hợp tác, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN), tập trung sản xuất tốt, đảm bảo đạt vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt và bỏ quên lợi ích.

Hiện nay, thị trường XK rau quả của Việt Nam đã tăng lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giá cả cũng là một trong những rào cản khiến trái cây Việt Nam khó khăn trong tìm thị trường, đặc biệt là thị trường khó tính. Bà Nguyễn Hoàng Thúy – Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Úc - cho hay, trái cây Việt sang Úc có giá cao hơn nhiều so với các loại trái cây cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan… Nguyên nhân do chưa tìm được công nghệ bảo quản hợp lý, trái cây Việt không giữ được lâu và phải vận chuyển bằng đường hàng không nên đội giá chi phí.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp XK trái cây Việt Nam còn thấp, chưa thể tự triển khai các chiến dịch quảng bá mạnh để tăng thêm thị phần. 

TIN LIÊN QUAN
Trái vú sữa Việt Nam sẽ được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ quý IV/2016
Xoài Việt có cơ hội vào thị trường Úc