Đưa hàng về nông thôn: Tránh “đánh trống bỏ dùi”

Đưa hàng về nông thôn: Tránh “đánh trống bỏ dùi”
Nông thôn được xác định có một thị trường rộng lớn hơn đô thị (chiếm 70% dân số) lại có rất ít điểm bán hàng Việt và điều này vô hình trung đã nhường "sân” cho hàng hóa nước ngoài mà chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Gần 3 năm trở lại đây, Chương trình đưa hàng về nông thôn (CTĐHVVNT) được các đơn vị trong nước phối hợp thực hiện đã đem nhiều tín hiệu vui cho hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng để bền vững hơn chúng ta phải xây dựng một chiến lược thường xuyên và chuyên nghiệp.
 
Đưa hàng Việt về nông thôn cần xây dựng một chiến lược
thường xuyên và chuyên nghiệp
Ảnh Q.Đ
Nhiều tín hiệu khả quan
 
Những năm gần đây, CTĐHVVNT được các cơ quan, tổ chức phối hợp thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhờ tổ chức thường xuyên mà đến nay người dân nông thôn đã trở nên quen thuộc với Chương trình và quan trọng hơn là họ đã quen hơn với hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản suất.
 
Hiệp hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh ước tính, hiện nay hàng Việt tại các chợ chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với hàng hóa nước ngoài (từ 70%-80%), hàng hóa được bày bán ở các chợ nông thôn chủ yếu là các mặt hàng đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, trang sức, mỹ phẩm… Đó là những tín hiệu rất khả quan, giúp cho Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành công. Bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - là người nhiều năm đồng hành cùng với CTĐHVVNT cho rằng, Chương trình là một sáng kiến hợp lý, hiệu quả, có tác dụng hướng người dân trong nước sử dụng hàng Việt.
 
Rất nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, nếu chúng ta không đưa ra được chương trình nào kiểu như CTĐHVVNT thì chừng khoảng 10 năm nữa, nước ngoài sẽ thâu tóm hầu hết thị trường rộng lớn này. Do vậy, đưa hàng về nông thôn là một sáng kiến hợp lý và kịp thời.
 
Mặc dù đang gặp không ít khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Việt Nam đã và có thể sẽ tiếp tục được xếp vào top 10 nước có thị trường bán lẻ đem lại lợi nhuận nhất trên thế giới. Dự tính với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6%/năm, doanh số bán lẻ của Việt Nam sẽ tăng gần 20%/năm và nông thôn vẫn chiếm thị phần vượt trội so với thành thị. Vào năm 2014, doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt trên 100 tỷ USD. Như vậy, nông thôn là thị trường đầy tiềm năng nên việc phát triển thị trường này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong tăng trưởng GDP của quốc gia và tạo thêm công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
 
Cần thực hiện chuyên nghiệp
 
Được xác định là thị trường lớn, với nhiều tiềm năng nhưng thị trường nông thôn hiện nay đang bị thâu tóm bởi hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc. Làm thế nào để lấy lại thị trường này đang được xem là một việc khó nhưng không thể không làm. Theo bà Vũ Kim Hạnh, không còn cách nào khác ngoài việc các DN phải tìm giải pháp thay đổi công nghệ nhằm tạo ra những mặt hàng giá rẻ, chất lượng, hình thức, mẫu mã phải đa dạng. Song song đó DN cũng cần phải thay đổi để hoàn thiện hơn cách thức tiếp thị sản phẩm, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, khuyến mãi, bảo hành,… một cách chuyên nghiệp.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan truyền thông đại chúng cần tăng cường các giải pháp để tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa thông tin về hàng Việt đi sâu vào nhận thức của cả người dân lẫn DN. Thực tế cho thấy, nơi nào có sự tuyên truyền mạnh thì nơi đó bà con đi mua hàng nhiều. Đồng thời, cũng cần tăng cường công tác đào tạo các tiểu thương.
 
Ông Nguyễn Xuân Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận xét, việc đưa hàng về nông thôn thu được nhiều kết quả đáng mừng, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, hoạt động này mới ở dạng phong trào, lúc được tổ chức mới có hàng để bán cho dân nên nó thiếu tính bền vững. Khi chương trình rút đi, mọi chuyện lại diễn ra gần như cũ, người dân chẳng biết mua hàng Việt ở đâu. Theo ông Chiến cần phải xây dựng một chiến lược bán hàng, kiểu như siêu thị loại nhỏ chuyên bán hàng Việt chất lượng cao tại các vùng nông thôn; DN cũng cần có chiến lược rõ ràng trong việc liên kết mạng lưới giữa các tỉnh/thành đến các địa phương vùng sâu, vùng xa.
 
Kinh nghiệm của các DN thành công trong kinh doanh trước hết phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên, bởi thành công hay thất bại là nằm ở chỗ khách hàng có tin tưởng và mua hàng thì DN mới tồn tại và phát triển được và ngược lại. Khi đặt quyền lợi của khách hàng lên trên thì sự tôn trọng khách và tinh thần trách nhiệm sẽ nảy sinh. Đây chính là cái gốc để sản phẩm chất lượng ra đời.
QUỐC ĐỊNH
Nguồn:daidoanket.vn