Đừng để tiêu thụ vào cảnh “một cổ hai tròng”

Đừng để tiêu thụ vào cảnh “một cổ hai tròng”
Trong khi sản lượng nhiều sản phẩm chăn nuôi trong nước gia tăng, ùn ứ về xuất khẩu, giá bán vẫn thấp hơn giá thành sản xuất thì Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn sản phẩm ngoại với giá thành thấp. Điều này ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất.

Lạc hậu do cách làm      

Cục Thú y cho biết, trong gần 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 16.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và chủ yếu từ Mỹ, Australia. Như vậy ước tính mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 5.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Số lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình giá cả thị trường trong nước, nếu giá thịt gia súc, gia cầm trong nước cao thì có thể các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hơn. Trong đó, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, đến hết 15/3, cả nước nhập khẩu 2,78 nghìn tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD. Như vậy, tương đương trung bình mỗi 1 kg thịt từ Brazil nhập về Việt Nam chỉ vào khoảng 1,44 USD (gần 33.000 đồng).       

Tiêu thụ thịt lợn
Ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng bởi thịt nhập khẩu giá rẻ - Ảnh: Xuân Trường

  

Bất cập với ngành chăn nuôi hiện nay là việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu TĂCN nhập khẩu, con giống có chất lượng kém và công nghệ chăn nuôi còn hạn chế, giá thành chăn nuôi Việt Nam rất khó cạnh tranh với thịt nhập ngoại. Và khi thuế nhập khẩu và các rào cản thương mại giảm xuống, thịt ngoại tràn vào nhiều hơn, ngành chăn nuôi trong nước càng khó khăn hơn. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ chia sẻ, ngành nuôi gà công nghiệp trong nước thời gian qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thịt nhập khẩu giá rẻ, dự báo ngành nuôi heo và nuôi bò cũng gặp cảnh tương tự trong thời gian tới. Sau chuyến khảo sát tại một số quốc gia châu Âu, các thành viên của Hiệp hội thừa nhận ngành chăn nuôi của Việt Nam còn quá lạc hậu so với thế giới. Thực tế chúng ta mới chỉ ở mức trung bình khá của Đông Nam Á, còn so với các quốc gia phát triển thì chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, sự lạc hậu của ngành chăn nuôi Việt Nam không phải do các doanh nghiệp thiếu đầu tư công nghệ hiện đại, mà là ở cách suy nghĩ và cách làm. 

Điển hình tại Quảng Ninh, tình hình chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với chăn nuôi gia cầm. Bởi, sau 1 năm dài lao đao vì giá xuống thấp, đầu năm 2017, việc cho phép nhập khẩu đùi gà giá rẻ đã khiến cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng. 

Tự đổi mới 

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong giai đoạn hội nhập, việc lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia là điều tất yếu. Tuy nhiên, trước sức ép của thực phẩm ngoại, nguy cơ bị cạnh tranh trên sân nhà của ngành nông nghiệp là khó tránh khỏi nếu không nhanh chóng tự đổi mới. Trong đó, cần phát triển chăn nuôi theo chuỗi để tăng giá trị, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh ATTP và giảm giá thành chăn nuôi để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, khai thác tối đa tiềm năng của từng loại vật nuôi trong từng vùng sinh thái. Duy trì, phát triển các giống gia súc, gia cầm địa phương có lợi thế và khả năng cạnh tranh, chất lượng thịt thơm ngon, hợp thị hiếu người tiêu dùng; đồng thời, phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản phù hợp với điều kiện chăn nuôi của vùng, miền, địa phương. 

Theo các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi, trước thực tế này cần thiết phải có biện pháp bảo vệ chăn nuôi trong nước bằng việc hạn chế nhập khẩu. Như việc đưa ra tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, không cho phép nhập khẩu các sản phẩm kém chất lượng vào Việt Nam, xem xét nhập khẩu nguyên con đối với gia cầm. Áp dụng quy trình sản xuất chăn nuôi theo tiêu chuẩn của nước ngoài để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu. 

Một quan điểm khác cho rằng, việc nhập khẩu thịt là thách thức song cũng chính là cơ hội để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Theo đó, để có thể cạnh tranh cần thay đổi công nghệ trong chăn nuôi, khuyến khích người nuôi áp dụng khoa học công nghệ thay vì chăn nuôi theo phương thức truyền thống. Nhà nước cần đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể để người chăn nuôi tuân thủ, qua đó bảo đảm đầu ra. Mặt khác, cũng cần tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất TĂCN, quy hoạch các vùng nguyên liệu nhằm thúc đẩy ngành sản xuất TĂCN phát triển. Khi đó giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước nói chung và sản phẩm thịt nói riêng sẽ giảm, tăng tính cạnh tranh so với mặt hàng nhập khẩu.

 

Nguồn: nguoichannuoi.vn