Được mất từ FTA giữa Việt Nam và EAEU
- Thứ ba - 25/10/2016 11:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thủy sản có lợi thế nhất
Những mặt hàng xuất khẩu sang đây là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu và mang về lượng ngoại tệ lớn nhất như da giày, đồ gỗ, dệt may đến thủy sản và những sản phẩm qua chế biến khác. Các bên tham gia ký hiệp định này đã đặt kỳ vọng đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thương mại giữa các bên lên đến 10 - 20 tỷ USD.
Lợi thế đó ở đây là việc chịu thuế suất bằng 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản xuất từ Việt Nam vào 5 nước kể trên. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc EAEU có hiệu lực là một trong những tin vui cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU - một trong ba thị trường lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua đang có dấu hiệu sụt giảm.
Còn về phía doanh nghiệp thủy sản, không phải bây giờ mà từ khi Hiệp định đang trong quá trình đàm phán đã có những bước đi để tìm hiểu, mở rộng những thị trường này. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương, lâu nay, các thị trường khác chỉ tiêu thụ sản phẩm fillet cá tra thịt trắng, còn thị trường Nga thì không chỉ fillet thịt trắng mà còn cả fillet cá tra thịt đỏ. Điều đó chứng tỏ, thị trường Nga cũng không quá khắt khe trong việc lựa chọn sản phẩm. Quan trọng hơn, dẫn chứng này còn cho thấy, đây là thị trường dễ tính và đó là cơ hội cho thủy sản, đặc biệt là cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà thủy sản Việt Nam phải chú ý đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây có thể là thị trường dễ tính trong lựa chọn những sản phẩm thủy sản Việt Nam nhưng cũng rất khắt khe trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ năm 2008 đến nay, Nga mới là thị trường đưa ra lệnh tạm ngưng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ một mà đã hai lần. Thế mới thấy, câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào Nga sẽ là một trong những rào cản cho các doanh nghiệp, rộng hơn là cho cả ngành thủy sản nước ta.
Doanh nghiệp cá tra hưởng lợi lớn từ FTA Việt Nam - Ảnh: Ngọc Trinh
Những lưu ý cho doanh nghiệp
Tuy được chịu mức thuế 0% cho mặt hàng thủy sản nhưng vẫn có những quy định khác, theo đó, một số mặt hàng như tôm, bạch tuộc, và cá ngừ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ CC, hoặc VAC 40% (tức hàm lượng giá trị gia tăng không dưới 40% giá FOB và quá trình sản xuất hàng hóa cuối cùng phải được thực hiện tại một trong các nước thành viên của hiệp định). FOB là trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm phí vận tải đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến.
Theo Điều 4.2, định nghĩa các thuật ngữ trong hiệp định, nuôi trồng thủy sản là việc nuôi trồng các sinh vật sống dưới nước bao gồm cá, động vật thân mềm, loài giáp xác, động vật không xương sống dưới nước khác và thực vật thủy sinh từ các loại con giống như trứng, cá hồi hai năm tuổi, cá hồi nhỏ và ấu trùng, bằng cách can thiệp vào các quá trình nuôi trồng hoặc tăng trưởng nhằm thúc đẩy sinh sản như nuôi cấy, cho ăn, hoặc bảo vệ khỏi các động vật ăn thịt. Tuy nhiên, việc được xuất khẩu thủy sản vào 5 thị trường nói trên không phải muốn xuất bao nhiêu cũng được vì trong hiệp định đã ký giữa hai bên có điều khoản tự vệ song phương.
Theo Điều 3.4, trường hợp mặt hàng nào đó xuất sang một nước trong hiệp định có sự gia tăng tương đối hoặc tuyệt đối so với lượng sản xuất nội địa của bên nhập khẩu và sự gia tăng đó dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trực tiếp của bên nhập khẩu, bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương để khắc phục hoặc ngăn chặn thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Điều 4.4 về xuất xứ hàng hóa, đối với thủy sản nuôi trồng là phải được sinh ra và nuôi dưỡng tại lãnh thổ của một bên và hàng hóa được chế biến từ động vật sống tại lãnh thổ của một bên. Vì thế, doanh nghiệp cần thận trong việc này vì có thể bị bên nhập khẩu viện dẫn và Điều 4.4 để làm khó cho thủy sản nước ta, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.
Hiện, Việt Nam chưa thể sản xuất được tôm thẻ chân trắng giống nên phải nhập và trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu tôm nguyên liệu, cá ngừ đại dương từ các nước như Ấn Độ, Indonesia, Philippines để chế biến xuất khẩu. Đây là những lưu ý cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu thủy sản sang thị trường 5 nước trong hiệp định để có những biện pháp đề phòng khi có sự việc liên quan xảy ra, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có.
>> Theo tính toán của Ủy ban Kinh tế Á - Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên 8 - 10 tỷ USD vào năm 2020. Năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế. |