EU nhắm thịt heo tới Đông Nam Á

EU nhắm thịt heo tới Đông Nam Á
Với sản lượng heo cao kỷ lục, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại nội địa và thị trường Trung Quốc lại không mấy tích cực, nhiều khả năng ngành sản xuất thịt heo của EU sẽ phải đối mặt tình trạng dư cung. Hiện, Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU đang ráo riết tìm kiếm các thị trường thay thế.

Hai kỷ lục

Số liệu từ Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, sản xuất thịt heo của EU năm 2016 đạt hơn 23,5 triệu tấn, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Tây Ban Nha, Ba Lan và Italia tăng sản lượng thịt heo mạnh nhất. Xuất khẩu cũng chạm mức kỷ lục nhờ tăng mạnh sang thị trường Trung Quốc, với mức tăng 593.000 tấn lên 1,284 triệu tấn năm 2016. Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản xuất khẩu cũng tăng trưởng cao. Bước sang nửa đầu năm 2017, ngành chăn nuôi heo của EU hưởng lợi từ giá thức ăn chăn nuôi thấp và giá thịt heo cao. Hiện, ngành chăn nuôi heo EU đã đạt mức sản lượng cao kỷ lục, đặc biệt tại khu vực Trung Âu. 

eu nhắm thịt heo Đông Nam á

Có thể dư cung

Trong năm 2016, sản xuất thịt heo của EU cao kỷ lục để đáp ứng nhu cầu cao tại thị trường Trung Quốc. Sang năm 2017, EU có thể gặp phải tình trạng dư cung thịt heo do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm. Trong nửa đầu năm 2017, xuất khẩu thịt heo EU sang Trung Quốc giảm 37%, tương đương gần 273.000 tấn. Xuất khẩu sang các thị trường khác không thể bù đắp cho sự suy giảm này và chỉ tăng khoảng 62.000 tấn, chủ yếu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Mỹ. Nếu xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khác duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì xuất khẩu thịt heo của EU trong năm 2017 sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 2,7 triệu tấn, giảm 425.000 tấn so năm 2016. Kịch bản này có thể xảy ra do sản xuất thịt heo tại Trung Quốc đang phục hồi và nguồn cung thịt heo từ Mỹ cũng đang tăng. Hơn nữa, các nhà cung cấp EU đang mất dần lợi thế tỷ giá đồng Euro so với đồng USD. 

biểu đồ thịt heo

Tìm thị trường mới

Với sự thiếu vắng thị trường Nga và nhu cầu thịt heo tại thị trường Trung Quốc yếu đi, EC và các nước thành viên EU đang nỗ lực mở cửa các thị trường xuất khẩu mới. Trong tháng 5/2017, Chính phủ Đan Mạch thông báo, Trung Quốc đã mở cửa các sản phẩm thịt heo xử lý nhiệt của Đan Mạch như xúc xích và thịt xông khói. Tháng 7/2017, EC và Nhật Bản thông báo đã đi đến một thỏa thuận chính trị. Thỏa thuận thương mại với Nhật Bản được cho là sẽ mở cửa phân khúc thị trường giá trị trung bình thấp và phân khúc thị trường sản phẩm chế biến cao cấp. Nhưng vấn đề về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) vẫn đang trong quá trình đàm phán và quy trình phê duyệt, một thỏa thuận như vậy thường kéo dài 2 năm. Thị trường Việt Nam có thể sẽ dỡ bỏ các rào cản trước đây nhưng tác động thị trường của quyết định này được cho là hạn chế. Một thị trường tiềm năng hơn trong việc tiêu thụ lượng thịt heo dư cung của EU là Ukraine. Ukraine có hạn ngạch phi thuế với EU, được cho là khoảng 100.000 tấn. Giá thịt heo EU và Ukraine có thể ngang nhau trong mùa thu năm nay sau khi hoạt động xuất khẩu được khởi động. 

  

Sự nổi lên của Nhật Bản, Hàn Quốc

Theo bà Bethan Wilkins, nhà phân tích tại AHDB Pork, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều ghi nhận tăng nhập khẩu thịt heo tươi/đông lạnh trong nửa đầu năm 2017. Với nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc chậm lại trong quý 2/2017, các thị trường này lại càng trở nên quan trọng cho thị trường thịt heo toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2017, Nhật Bản nhập khẩu 459.000 tấn thịt heo, tăng 7% so cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu thịt heo từ Canada sang Nhật Bản làm ví dụ, tăng 19% trong cùng kỳ so sánh. Trong khi đó, xuất khẩu từ các nước xuất khẩu thịt heo lớn khác như EU và Mỹ lần lượt ghi nhận mức tăng xuất khẩu 3% và 4% sang thị trường Nhật Bản. 

Đối với Hàn Quốc, nửa đầu năm 2017, nhập khẩu thịt heo tươi/đông lạnh tăng 12% so cùng kỳ năm 2016, đạt 257.000 tấn. Bùng phát dịch bệnh trong ngành chăn nuôi bò và chăn nuôi gia cầm gần đây đã thúc đẩy nhu cầu đối với thịt heo tại thị trường này. Xuất khẩu thịt heo của EU sang thị trường Hàn Quốc tăng 25% trong cùng kỳ so sánh và hiện chiếm hơn 50% trong cơ cấu nhập khẩu thịt heo của nước này, đồng thời chiếm phần lớn lượng nhập khẩu tăng trên thị trường. Trong đó, lượng xuất khẩu từ Đức và Hà Lan lần lượt tăng 46% và 58%. 

  

FTA Việt Nam - EU

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã kết luận các đàm phán vào tháng 12/2015. Cả hai bên kỳ vọng có thể chốt quy trình phê chuẩn cho phép thỏa thuận này được triển khai từ đầu năm 2018. EU sẽ nhận quyền tiếp cận thị trường với mức thuế giảm cho thịt bò và thịt heo sau nhiều giai đoạn triển khai khác nhau, phụ thuộc vào mức giảm thuế. 

  


 

Phương Ngọc 

(Theo FAS USDA và The Pig Site