FAO: Giá thực phẩm ổn định trong tháng 6/2019

Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá cả các mặt hàng thực phẩm thế giới giảm nhẹ trong tháng 6, do các sản phẩm sữa và dầu thực vật giảm mặc dù giá ngô tăng khá nhiều, hiện đang ở mức rất gần mức giá một năm trước.
FAO: Giá thực phẩm ổn định trong tháng 6/2019

Chỉ số giá thực phẩm FAO theo dõi biến động hàng tháng của các mặt hàng được giao dịch phổ biến trên thị trường quốc tế, đạt trung bình 173 điểm trong tháng 6, giảm 0,3% so với tháng 5.

Trong đó, Chỉ số giá ngũ cốc tăng 6,7% do dự đoán nguồn cung ngô xuất khẩu bị thắt chặt ở Mỹ đẩy giá ngô tăng lên, và lúa mỳ cũng tương tự. Giá gạo phần lớn vẫn ổn định.

Chỉ số giá đường tháng 6 tăng 4,2% so với tháng trước, chủ yếu do ảnh hưởng bởi đồng Real Braxin tăng giá so với đô la Mỹ.

Trái lại, Chỉ số giá sữa giảm 11,9%, lần đầu tiên giảm giá trong 5 tháng do nhu cầu suy yếu đối với bơ và phomat.

Chỉ số giá dầu thực vật giảm 1,6% trong tháng 6, với giá dầu cọ và dầu đậu nành giảm do nhu cầu nhập khẩu yếu và dự đoán nguồn cung toàn cầu dư thừa.

Chỉ số giá thịt tăng 1,5% so với giá đã sửa đổi trong tháng 5, do nhu cầu nhập khẩu mạnh từ Đông Á đối với thịt cừu, thịt lợn và thịt gia cầm bù đắp thiếu hụt sản lượng nội địa do dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở khu vực này.

Sản lượng lúa mỳ thế giới năm 2019 tăng

Theo dự báo mới của FAO, sản lượng ngũ cốc năm 2019 không thay đổi ở mức 2.685 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm 2018, với phần lớn tăng trưởng trong năm nay dự đoán đến từ sản lượng lúa mỳ tăng.

Sản lượng lúa mỳ thế giới ước tăng 5,6% trong năm 2019 đạt gần 771 triệu tấn, do sản lượng lúa mỳ Ấn Độ đạt kỷ lục. Trong khi đó, sản lượng ngũ cốc thô thế giới ước giảm xuống còn 1.398 triệu tấn trong năm nay, do triển vọng yếu ở nhiều nơi thuộc châu Phi, Trung Quốc và đặc biệt ở Mỹ. Sản lượng gạo dự báo đạt 516 triệu tấn, gần với mức cao đạt được năm 2018.

Tiêu thụ ngũ cốc thế giới niên vụ 2019/20 ước vượt 2.708 triệu tấn, tăng 1% so với một năm trước, trong đó tiêu thụ lúa mỳ và gạo tăng nhanh hơn ngô.

FAO điều chỉnh giảm dự báo tồn kho ngũ cốc cuối mùa vụ 2020 xuống còn 828 triệu tấn, giảm 3,2% so với mức tồn kho đầu vụ. Tồn kho ngũ cốc giảm là do dự trữ ngô giảm 12,4%, chủ yếu tại Trung Quốc và Mỹ. Dự trữ lúa mỳ thế giới ước tăng 4,5%. Nhìn chung, tỉ lệ dự trữ - tiêu thụ ngũ cốc vẫn ở mức cao 29,6% trong niên vụ 2019/20.

M.H (Theo FAO)/https://www.mard.gov.vn