Gạo Việt cao cấp: Từ giấc mơ đến hiện thực

Với thị trường xuất khẩu gạo cấp thấp - thế mạnh xuất khẩu lâu nay của gạo Việt, chúng ta cũng đang phải cạnh tranh gay gắt, vẫn thua đối thủ, thì khi tiếp cận, xâm nhập vào các thị trường xuất khẩu gạo cao cấp với những yêu cầu khắt khe hơn, gạo Việt liệu có đạt được mục tiêu?
 
Theo Đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam” được phê duyệt hồi tháng 5, thời gian tới, Việt Nam sẽ lựa chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm trên các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như EU, Mỹ, Nhật...
 
Dù đây mới chỉ là mục tiêu, nhưng làm thế nào để gạo Việt có thể thâm nhập và cạnh tranh tại các thị trường cao cấp, trong khi với các thị trường truyền thống, gạo Việt vẫn chật vật cạnh tranh.
 
Thất thế, dù ở thị trường quen
 
Theo thống kê, hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và họ chủ yếu nhập khẩu gạo cấp thấp. Ngoài Trung Quốc, các nhà nhập khẩu gạo lớn khác là Malaysia, Indonesia và Philippines. Các thị trường này cũng chủ yếu nhập khẩu gạo giá rẻ, chất lượng thấp. Do vậy, những thị trường này đã và đang là thị trường truyền thống xuất khẩu gạo bấy lâu nay của Việt Nam.
 
Song tính từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này lại liên tục suy giảm cả về chất và lượng. Nhất là đối với thị trường Trung Quốc, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 18/6/2015, tổng lượng gạo được doanh nghiệp trong nước xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 791.000 tấn, trong đó lượng gạo tiểu ngạch bán sang thị trường này chỉ đạt 135.000 tấn.
 
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết thị trường xuất khẩu gạo chính của doanh nghiệp nhiều năm nay là Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay, số lượng hợp đồng ký với thị trường này giảm mạnh. “Lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2015 của doanh nghiệp vào Trung Quốc giảm đến hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Đôn cho biết.
 
Cùng với đó, giá xuất khẩu gạo Việt cũng suy giảm theo đà xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với mặt hàng gạo, giá xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 431,16 USD/tấn, giảm 4,64% so với cùng kỳ năm 2014.
 
Cụ thể, số liệu do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết giá chào bán gạo xuất khẩu của gạo Việt hiện chỉ còn từ 355 - 365 USD/tấn với loại gạo 5% tấm. Mức giá này thấp hơn 15 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, 25 USD/tấn so với gạo Pakistan và 40 USD/tấn so với gạo của Thái Lan. Đây cũng là mức giá bán thấp nhất trong vòng 5 năm qua của gạo Việt Nam.
 
Giá thấp như vậy nhưng vẫn rất ít giao dịch được thực hiện trong thời gian qua, trong khi các doanh nghiệp đã tồn kho khá lớn do mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) theo chủ trương của Chính phủ, chưa kể đến lượng gạo doanh nghiệp tự mua để kinh doanh.
 
Điều này cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường chính, nay các thị trường này thay đổi cách thức nhập khẩu gạo hay giảm nhập khẩu là gạo Việt Nam không có đầu ra.
 
Từ vài ba năm trở lại đây, Việt Nam chủ yếu bán gạo cho các thị trường châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia. Trung Quốc - thị trường tiêu thụ 40 - 50% tổng lượng gạo xuất khẩu - chưa mở cửa cho gạo Việt Nam nên khó khăn lại thêm chồng chất.
Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam năm 2014

Thậm chí, hiện Việt Nam đã mất vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới vào tay Pakistan, chỉ đứng trên Myanmar và Campuchia. Một điều mà chúng ta không ngờ đã xảy ra là Pakistan, sau khi cùng Ấn Độ và Thái Lan chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tại châu Phi, vừa vươn tay đến Philippines.
 
Với cách tiếp cận thị trường năng động, rất có thể họ sẽ đạt được các thỏa thuận cung cấp gạo, đồng nghĩa với việc chúng ta bị đánh bật ra khỏi thị trường này. Chưa hết, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Campuchia cũng đang tích cực tiếp xúc với các thị trường chính còn lại của Việt Nam.
 
Theo các chuyên gia, không có thương hiệu, không đa dạng hóa thị trường chính là hai điểm yếu kém cơ bản của gạo Việt Nam.
 
Chuyển sang thị trường cao cấp
 
Trước thực tế trên, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, từng cho rằng nhiều năm trước đây, thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu gạo cấp thấp, nhưng với tình hình thế giới hiện nay, nếu chỉ sản xuất gạo cấp thấp thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới và yêu cầu của một vài thị trường mới như Mỹ La tinh, Châu Âu…
 
“Vì vậy, để gạo Việt Nam được các nước chấp nhận, một mặt làm lương thực, một mặt làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm, thì ngành gạo cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hạt gạo”, bà Thảo nói.
 
Đồng thời, theo các chuyên gia, hiện tại các thị trường cao cấp như EU, Mỹ hay Nhật Bản dự báo đã và đang có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn. Nếu tận dụng tốt điều này, gạo Việt Nam sẽ dễ dàng xâm nhập vào các thị trường cao cấp này.
 
Theo thống kê, quy mô thị trường nhập khẩu gạo Japonica ở Nhật Bản và Hàn Quốc hiện vào khoảng hơn một triệu tấn mỗi năm. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2014, Nhật Bản nhập khẩu 770.000 tấn gạo Japonica, còn Hàn Quốc nhập 440.000 tấn. Bên cạnh đó, giá gạo Japonica cao gấp hai - ba lần so với giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện nay, đạt 700 - 1.500 USD/tấn.
 
Đặc biệt, theo dự báo, trong tương lai, khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương - TPP, Nhật Bản phải cân nhắc giữa hai khả năng: hoặc xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu hoặc tăng lượng gạo nhập khẩu đối với các nước thành viên. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tới Việt Nam sản xuất lúa gạo để giảm giá thành.
 
Ông Akira Ichikawa, Tổng giám đốc chi nhánh Công ty Lương thực Seibu Nousan tại Việt Nam (đơn vị chuẩn bị trồng gạo Japonica ở Việt Nam để xuất khẩu), cho biết, nước ta đang đứng thứ hai về số lượng du học sinh và người xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, nên thông qua mối quan hệ với nhân viên, ngày càng nhiều các chủ doanh nghiệp Nhật muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam.
 
Thêm vào đó, theo ông Akira Ichikawa, Việt Nam đang có cơ hội giành thị phần xuất khẩu gạo Japonica từ Mỹ do diện tích đất nông nghiệp của nước này năm 2015 giảm 30% vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại California.
 
Tuy nhiên, ông Akira Ichikawa cũng đưa ra hai nguyên nhân chính khiến gạo Việt Nam chưa vào được thị trường Nhật, là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; tỉ lệ gạo Indica (gạo hạt dài) bị lẫn trong gạo Japonica cao (hơn 17%).
 
Hai nguyên nhân này là do thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân, những gia đình có ruộng gần nhau trồng những loại gạo khác nhau dẫn đến gạo thu hoạch lẫn lộn Japonica và Indica.
 
Ngoài ra, người dân thường phun thuốc bảo vệ thực vật ngay trước thời điểm thu hoạch và đa số sử dụng thuốc của Trung Quốc với nồng độ cao nên dẫn đến dư lượng hóa chất lớn.
 
Một điểm quan trọng khác mà các doanh nghiệp Nhật chưa đồng tình với các doanh nghiệp Việt Nam, đó là thu mua gạo để bán và xuất khẩu thông qua thương lái nên dù sử dụng máy móc để chọn lựa các hạt gạo cùng kích cỡ vẫn không thể kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
 
Đây chính là những rào cản khiến gạo Việt nếu muốn xuất khẩu vào thị trường cao cấp nói chung và Nhật Bản nói riêng phải vượt qua được.
 
Ts. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào những giống lúa có tiềm năng xuất khẩu cao và xây dựng thương hiệu cụ thể cho một giống lúa nào đó. Bởi thương hiệu gạo của Việt Nam nói chung hiện nay là bao gồm tất cả các loại gạo, nên chúng ta phải xây dựng thương hiệu cho một vài giống lúa chủ lực, như thế chúng ta mới thực sự có thương hiệu gạo thế giới. Lúc đó, chúng ta mới có giá xuất khẩu cao và thâm nhập, cạnh tranh được vào các thị trường xuất khẩu cao cấp.
 
Lê Thúy (Thời báo kinh doanh)