Gạo Việt kém cạnh tranh do thiếu thương hiệu
- Thứ sáu - 12/12/2014 10:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại hội thảo, ông Dương Quốc Xuân - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Trong số 850 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào vùng ĐBSCL với tổng vốn 11 tỷ USD thì lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 6% số dự án và chiếm 2% tỷ trọng vốn. Riêng về lúa gạo, chúng ta đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu nhưng có giá trị lại thấp. Lý do vì gạo chúng ta chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, lúa bán đi chưa được kiểm soát nên chất lượng chưa ổn định”.
Nhìn từ góc độ của một doanh nghiệp, ông Vũ Quang Cảnh - Phó phòng Nông sản thực phẩm thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cho rằng: “Cơ bản là gạo Việt Nam có chất lượng thấp, có khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu có phẩm cấp thấp (25% tấm). Hiện tỷ lệ diện tích sử dụng lúa giống cấp xác nhận của vùng chỉ có 35%; đến 93% lượng lúa do nông dân sản xuất ra bán cho thương lái nên các doanh nghiệp không thể kiểm soát được chất lượng lúa đầu vào”.
Theo ông Dương Quốc Xuân, một số nước hiện nay đang có chính sách đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ. Đây sẽ là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam. Vì vậy, việc cần làm ngay từ bây giờ là có chính sách thu hút đầu tư và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia trước khi quá muộn”. Đối với vấn đề trên, TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích: “Đến năm 2020, dân số nước ta sẽ ở mức 100 triệu người, sản xuất lúa sẽ ngày càng khó khăn hơn vì đất sản xuất bị thu hẹp, áp lực sâu bệnh ngày càng tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn. Để phát triển ngành này thì việc xây dựng thương hiệu là cần thiết và doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm việc này. Còn Nhà nước phải có chính sách thích hợp hơn nữa, nếu không, như tình hình hiện nay, đến một lúc nào đó có thể dẫn đến nông dân bỏ ruộng hoặc họ chỉ sẽ hướng đến “an ninh lương thực gia đình”, sẽ khó khăn hơn cho an ninh lương thực quốc gia”.
Theo danviet.vn