Gạo giảm sản lượng, tăng nhu cầu

Gạo giảm sản lượng, tăng nhu cầu
Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra dự báo rằng trong năm 2020, sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm trong khi tiêu thụ tiếp tục tăng.

Việt Nam duy trì mức xuất khẩu 6,5 triệu tấn

Theo USDA, trong niên vụ 2019/20, sản lượng gạo toàn cầu dự báo sẽ giảm nhẹ, chủ yếu do giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Cả diện tích và sản lượng lúa của Trung Quốc sẽ đều giảm do giá hỗ trợ tối thiểu không thay đổi. Sản lượng gạo của Ấn Độ dự báo giảm khoảng 1%.

08-29-20_nhu_co_go_2020
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Trong khi đó, tiêu thụ gạo sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại châu Phi cận Sahara, nơi mà người tiêu dùng bị hấp dẫn bởi giá gạo Châu Á rẻ, và cũng do dân số tăng. Tiêu thụ cũng tăng thêm nhiều ở Ấn Độ và Trung Quốc, là những quốc gia mà sử dụng gạo làm lương thực chiếm phần lớn tổng tiêu thụ. Vì vậy, dù người dân nhiều nước có xu hướng giảm sử dụng gạo, nhưng tiêu thụ gạo thế giới dự báo sẽ tăng 1% vào năm 2020.

Thương mại gạo thế giới năm 2020 dự báo sẽ ở mức gần với kỷ lục trước đây, với mức tăng 3% lên 48 triệu tấn, tương đương năm 2017.

Nhu cầu nhập khẩu cao nhất đến từ Châu Phi cận Sahara và Trung Đông, trong khi nhập khẩu của khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ giảm. Ấn Độ tiếp tục là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, tiếp đến là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.

Trong khi đó, Trung Quốc dự báo sẽ duy trì xu hướng tăng xuất khẩu mặc dù vẫn là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới …

Riêng với Việt Nam, USDA dự báo sẽ duy trì mức xuất khẩu ở 6,5 triệu tấn do sản lượng tăng, bất chấp sự cạnh tranh cũng tăng trên thị trường gạo thế giới.

Mặc dù Trung Quốc dự báo sẽ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt, song Trung Quốc cũng sẽ ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với gạo Việt Nam trên thị trường Châu Phi. Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines sẽ vẫn thuận lợi. Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ, với các loại gạo chủ yếu là hương nhài, nếp, gạo trắng hạt dài và hạt vừa.  

Nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường chính

Trung Quốc được USDA dự báo vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới với 4 triệu tấn, chủ yếu nhập từ các nước láng giềng. Tiếp theo là Philippines, dự báo sẽ giảm 100.000 tấn nhập khẩu xuống 2,7 triệu tấn do lượng dự trữ còn nhiều trong khi sản lượng tăng lên. Nước nhập khẩu lớn thứ 3 là Nigeria, dự báo sẽ có nhu cầu nhập khẩu tăng 200.000 tấn lên 2,4 triệu tấn, do cần thêm gạo đồ, mặc dù sản lượng trong nước cũng tăng nhẹ.

Liên minh Châu Âu dự báo sẽ vẫn nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong bối cảnh sản lượng và tiêu thụ đều tăng nhẹ. Bờ Biển Ngà dự báo sẽ vẫn nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo. Nhu cầu nhập khẩu ở Bờ Biển Ngà vẫn tập trung vào các chủng loại gạo xay và gạo tấm Châu Á (Châu Á cung cấp gần như toàn bộ gạo nhập khẩu vào nước này).

Saudi Arabia dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 25.000 tấn lên 1,4 triệu tấn bởi dự kiến khách du lịch tăng sẽ bù lại cho số lao động nước ngoài sụt giảm. Gạo nhập khẩu vào Saudi Arabia chủ yếu là loại basmati, nhưng cũng có một số gạo đồ hạt dài và gạo xay hạt vừa.

Tiêu thụ gạo thế giới dự báo sẽ tăng 1% vào năm 2020.

Iraq dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 50.000 tấn lên 1,4 triệu tấn. Bộ Thương mại Iraq nhập khẩu thông qua các cuộc mở thầu quốc tế và mua trực tiếp để cung ứng gạo cho hệ thống phân phối công cộng. Ngoài ra, tư nhân cũng tham gia nhập khẩu để bổ sung lượng cung ứng cho thị trường nội địa.

Senegal dự kiến sẽ tăng nhập thêm 50.000 tấn lên 1,3 triệu tấn do nhu cầu gạo tấm liên tiếp tăng, nhất là từ các nhà cung cấp Châu Á. Senegal là nước nhập khẩu gạo tấm lớn nhất thế giới, và gần đây đã đưa ra những chính sách hạn chế nhập khẩu loại gạo này.

Iran dự kiến sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo, bằng năm trước, do nhu cầu tăng nhưng sản lượng cũng tăng. Nước này đã rất nỗ lực để tự cung tự cấp, mặc dù vẫn phải nhập khẩu gạo basmati để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nam Phi dự báo nhập khẩu 1,1 triệu tấn. Malaysia dự báo sẽ vẫn nhập khẩu 1 triệu tấn giữa bối cảnh tiêu thụ chỉ tăng nhẹ.

UAE dự kiến sẽ tăng nhập thêm 75.000 tấn lên 925.000 tấn vì người dân tăng dùng gạo và và khách du lịch tăng trước khi diễn ra World Expo 2020. Nhiều người nước ngoài nằm trong số những người tiêu thụ gạo chủ chốt ở thị trường này.

Dự kiến nhập khẩu của một số thị trường quan trọng khác hoặc đầy tiềm năng đối với gạo Việt Nam như sau: Mỹ 900.000 tấn; Ghana 800.000 tấn (nước này nhập chủ yếu gạo thơm, phần lớn từ Việt Nam); Mexico 785.000 tấn; Indonesia 500.000 tấn; Cuba 500.000 tấn; Ai Cập 500.000 tấn; Hàn Quốc 410.000 tấn…

Theo: Sơn Trang/nongnghiep.vn