Gạo nội ế ẩm, rẻ mạt sao vẫn mua gạo ngoại giá tới 200.000 đ/kg?

Gạo nội ế ẩm, rẻ mạt sao vẫn mua gạo ngoại giá tới 200.000 đ/kg?
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay ước đạt 1,86 triệu tấn với trị giá kim ngạch đạt 834 triệu USD, song đã giảm 7,7% về khối lượng và giảm 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, lượng nhập khẩu gạo dù báo cáo quý I/2017 của Bộ NNPTNT không thống kê nhưng chỉ cần nhìn vào gian hàng gạo bán tại các siêu thị, chúng ta đều biết lượng gạo nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, thậm chí cả gạo Campuchia xuất sang không hề nhỏ.

Đây là một nghịch lý buồn, dù biết đã hội nhập quốc tế, chúng ta phải chấp nhận luật chơi chung trong trao đổi hàng hóa thương mại. Điều đáng buồn ở đây, thói quen tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ cư dân có mức sống trung lưu.

 gao noi e am, re mat sao van mua gao ngoai gia toi 200.000 d/kg? hinh anh 1

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Dũng

Với thói quen “sính ngoại”, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua gạo nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan với giá từ 200-350 nghìn đồng/kg mà quên mất, Việt Nam cũng có giống gạo ngon không thua kém, mức giá “mềm” hơn nhiều. Đó là gạo Nhật, gạo Tám Thái trồng tại Việt Nam, Tám Điện Biên, Tám Hải Hậu (Nam Định), Séng Cù (trồng tại cả 2 địa bàn Lào Cai, Mường Khương), gạo đỏ tẻ nương của đồng bào vùng cao Tây Bắc…

Những loại gạo này, nếu được chế biến, đóng gói, dán tem, dập logo thương hiệu theo công nghệ hiện đại, chắc chắn không thua kém bất cứ sản phẩm gạo nào của các nước đang xuất khẩu gạo sang Việt Nam. Thói “sính ngoại” trong một bộ phận cư dân nặng đến mức, cùng sản phẩm đó, nhưng được thay mác đóng gói, là lập tức họ thay luôn quan điểm về chất lượng sản phẩm đựng trong bao gói đó.

Chính người tiêu dùng nước mình còn không nhìn nhận được giá trị của hạt gạo do mình làm ra, thì chuyện xuất khẩu gạo gặp khó là dễ hiểu. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với gạo để làm cơ sở kiểm tra, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thị trường.

Nhưng, trong khi hạt gạo Việt đang bế tắc ở khâu xuất khẩu, sao chúng ta không “khơi thông” tư tưởng, khẳng định chất lượng gạo Việt đối với trên 93 triệu dân Việt Nam đang có thói quen không thể thiếu cơm trong bữa ăn hàng ngày?

 
Theo Long Vũ (Lao động)