Giá cà phê tăng, nông dân phấn khởi

Giá cà phê tăng, nông dân phấn khởi
Thời điểm này, cà phê ở Tây Nguyên bắt đầu chín rộ, nông dân đang khẩn trương thu hoạch cho kịp thời vụ. Giá cà phê hiện tăng cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, niềm vui này chưa thật sự trọn vẹn khi bà con lo ngại bước vào chính vụ, giá sẽ giảm mạnh, chính vì vậy, họ chọn cách thu hoạch tới đâu bán tới đó.

Giá cà phê ở Tây Nguyên đang ở mức cao nên nông dân chọn phương án hái tới đâu bán tới đó.

Hiện giá cà phê tại Tây Nguyên giao động từ 44.500 đến 45.100 đồng/kg; trong đó, tại Đắk Lắk là 45.100 đồng/kg, Gia Lai 44.900 đồng/kg, Lâm Đồng 44.500 đồng/kg, Đắk Nông 45.000 đồng/kg.

Vừa thu hoạch cà phê, anh Nguyễn Văn Hải (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vừa chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy phấn khởi vì giá cà phê hiện tại nằm ở mức khá cao. Gia đình có 1ha cà phê, năm nay dự tính thu được khoảng 1,3 tấn. Với giá như hiện nay, trừ chi phí, thu lãi khoảng 60 triệu đồng”.

Chung niềm vui như anh Hải, anh Nguyễn Thanh Hùng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) nói: “Lâu lắm rồi nông dân mới thấy vui khi bước vào mùa thu hoạch cà phê. Những năm trước, giá cà phê chỉ nằm ở mức 37.000 - 38.000 đồng/kg, năm nay lên tới 45.000/kg… Gia đình  có 5.000m2 cà phê, dự kiến cho thu khoảng gần 7 tạ,  trừ chi phí, lãi gần 40 triệu đồng”.

Mùa khô năm nay, hàng trăm ngàn hecta cà phê ở Tây Nguyên bị thiếu nước, trong đó, Đắk Lắk là địa phương thiệt hại nặng nhất với 56.138ha cà phê bị khô hạn, mất trắng  4.399ha. Đắk Nông cũng có 22.000ha bị thiếu nước tưới, trong đó 4.977ha mất trắng; Gia Lai có 399ha mất trắng; Lâm Đồng có khoảng 161ha mất trắng… May mắn thay, khi bước vào mùa thu hoạch niên vụ 2016 -2017 này, giá cà phê nơi đây tăng cao, phần nào làm dịu nỗi buồn của những người trồng cà phê khi trải qua cơn đại hạn trước đó.

Tuy nhiên, niềm vui này chưa thật sự bền vững và trọn vẹn bởi bà con đang  lo giá cà phê sẽ giảm mạnh khi Tây Nguyên bước vào thu hoạch rộ, do vậy, người dân chọn phương án thu hoạch tới đâu bán lấy tiền tới đó.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Hạnh (xã Ea Kênh, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk) cho hay: Nhà tôi có 1,2ha cà phê cho thu hoạch, nếu như  năm trước năng suất đạt 1,3 tấn khô thì năm nay chắc sẽ giảm 40-50%. Gia đình đang tiến hành thu hoạch, với giá bán như hiện tại, trừ chi phí, dự kiến lãi khoảng 60 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Ama Danh (xã Chư KPô, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Nhà mình có 8.000m2 cà phê đang thu hoạch, năm nay tuy có mất mùa nhưng bù lại giá khá cao. Để tránh tình trạng giá giảm, thu hoạch tới đâu mình đem bán tới đó, nếu chờ thu hoạch xong mới bán, giá giảm thì lại tiếc”.

Cà phê đầu vụ đang được giá, người trồng chọn cách thu hoạch tới đâu bán tới đó. Việc này dễ xảy ra tình trạng “xanh nhà còn hơn già đồng”, nhiều vườn tuy mới có tỷ lệ quả chín 40 - 50% đã thu hoạch để bán, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cà phê nhân.Để có năng suất sản lượng cao, chất lượng tốt, bà con chỉ nên thu hoạch cà phê khi quả vừa đúng độ chín.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, để chấm dứt thực trạng thu hái cà phê xanh - nguyên nhân làm mất sản lượng, giảm chất lượng cà phê sau thu hoạch - thì cần phải có sự nỗ lực của cả nông dân và các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê.

Khi không có người mua cà phê xanh, ắt sẽ không có người bán cũng như khi cà phê quả chín được mua với giá cao hơn thì tự khắc nông dân sẽ thu hoạch được quả chín.

Bá Thăng/kinhtenongthon.com.vn