Giá cả vựa heo lớn nhất miền Trung hạ nhiệt
- Thứ năm - 20/02/2020 02:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hạ nhiệt
Trong những ngày này, ở huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi được mệnh danh vựa heo lớn nhất miền Trung, không khí mua bán heo thịt vẫn rôm rả chẳng kém những ngày cận tết. Những chiếc xe tải chở heo xuất đi tiêu thụ ở các thị trường Huế, Đà Nẵng vẫn nườm nượp.
“Sau dịch tả lợn châu Phi và đợt tiêu thụ mạnh vào dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, đàn heo ở Hoài Ân đã giảm mạnh. Nếu như trước đây đàn heo trên địa bàn luôn ổn định với tổng đàn hơn 400.000 con thì hiện chỉ còn khoảng 150.000 con.
Thị trường vẫn tiêu thụ mạnh, heo thịt hút hàng, mỗi ngày người chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân xuất chuồng bán đi khắp nơi khoảng từ 1.200 – 1.500 con heo thịt. Tuy nhiên giá heo đã giảm, không còn cao vút như mấy tuần trước”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết.
Không chỉ ở Hoài Ân, đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện cũng đã giảm mạnh. Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, nếu trước đây tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh này hơn 830.000 con thì hiện chỉ còn khoảng 650.000 con do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi. Nhiều hộ trước đây nuôi heo giờ đã chuyển sang nuôi gà, vịt nên tổng đàn heo trên địa bàn chưa kịp phục hồi.
“Tuy heo đang khan hiếm nhưng giá heo hơi trên địa bàn đang giảm mạnh. Giá heo hơi ở Bình Định từng tăng cao ngất ngưởng, có lúc đến 98.000đ/kg, giá heo siêu nạc trên 100.000đ/kg. Giá heo cao kéo dài đến qua tết, thế nhưng hiện đã giảm mạnh, chỉ còn 75.000đ/kg hơi. Với cái giá này, người chăn nuôi vẫn còn lãi lớn mà người tiêu dùng cũng “dễ thở” hơn”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Đào Văn Hùng, bộc bạch.
Kiểm soát tái đàn
Hiện dù giá heo đã giảm nhiều so với vài tháng trước đây, nhưng với 75.000đ/kg vẫn là cái giá “đỉnh” so với những năm trước. Do đó, hiện người chăn nuôi rất nóng ruột chuyện tái đàn để chớp thời cơ lúc giá heo đang cao.
“Ngành nông nghiệp Bình Định chỉ khuyến khích những trang trại đủ điều kiện an toàn sinh học và đảm bảo các tiêu chí về môi trường mới được triển khai tái đàn. Đối với những vùng vừa bị dịch tả lợn châu Phi gây hại, chúng tôi động viên những hộ chăn nuôi heo đừng vội vã tái đàn để tránh thiệt hại, bởi mầm bệnh vẫn còn rình rập”, ông Đào Văn Hùng chia sẻ.
Đặc biệt, Bình Định kiểm soát chặt chẽ nguồn heo giống đưa vào tái đàn. Heo giống phải có xuất xứ từ cơ sở an toàn dịch bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi thì mới được thả nuôi.
Nguồn heo nuôi trong tỉnh cũng phải đăng ký với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để kiểm tra và khi đảm bảo các điều kiện cần thiết mới được nhập heo nuôi. Đối với heo giống chuyển từ địa phương này sang địa phương khác phải có xác nhận của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Còn nguồn heo nuôi nhập từ các tỉnh khác về Bình Định, phải có đơn báo nhập heo chăn nuôi với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để kiểm tra.
“Nguồn heo giống đảm bảo an toàn phục vụ cho việc tái đàn ở Bình Định thì không lo. Bình Định có nhiều trang trại chuyên nuôi heo sinh sản lấy giống có quy mô lớn, tập trung ở 2 huyện Hoài Ân và Vân Canh với tổng đàn nái 120.000 con. Mỗi con nái 1 năm đẻ 2 lứa, bình quân mỗi lứa 20 con giống, vị chi mỗi năm đàn nái ở Bình Định cung ứng được 2,4 triệu heo giống, đủ cung ứng cho người chăn nuôi heo thịt trên địa bàn”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.