Sản lượng điều trong nước chỉ khoảng 400.000 tấn trong khi nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp (DN) hằng năm lên đến khoảng 1,5 triệu tấn. Ngành chế biến điều phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá thu mua nguyên liệu đầu vào cũng ảnh hưởng theo.
Điều tươi chỉ 28.500 - 30.000 đồng/kg
Những ngày qua, điều tươi thu mua tại vườn ở Bình Phước chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg, nếu giao đến nhà máy giá 30.000 - 32.000 đồng/kg, giá điều khô tại kho khoảng 36.000 đồng/kg. Trong khi năm ngoái, giá điều tươi ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, điều khô tại kho lên đến 50.000 đồng/kg. Theo giới kinh doanh, giá điều vẫn đang đà đi xuống, chưa có dấu hiệu phục hồi.
Ông Trần Hữu Hậu, ủy viên thường trực Hội đồng Hiệp hội Điều Việt Nam, tính toán mức giá này đã tăng nhẹ so với đợt rớt thấp kỷ lục hồi cuối tháng 2: điều tươi chỉ còn 20.000 - 24.000 đồng/kg do thời điểm đó các nhà máy chế biến điều vẫn còn nghỉ Tết.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ vườn điều ở Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết giá điều ở khu vực này cao hơn các khu vực khác do chất lượng tốt hơn, giao thông thuận tiện nhưng đợt này giá thu mua thường xuyên bị biến động. Đầu tuần trước, điều tươi mua tại vườn giá 32.000 - 33.000 đồng/kg, nay chỉ còn 29.500 đồng/kg, giảm 2.500 - 3.500 đồng/kg. Hiện vào mùa thu hoạch rộ, nhiều chủ vườn lo giá càng thấp càng dễ bị thương lái ép giá hoặc chiếm dụng vốn bằng cách "mua chịu", chủ vườn nào không chấp nhận "bán chịu" thì thương lái không mua.
Nhà vườn lo lắng vì giá điều tươi quá thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại
Phụ thuộc giá nguyên liệu nhập khẩu
Ông Hồ Ngọc Cầm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông lâm sản Phương Minh, cho biết thời điểm này, các DN mới nhập khẩu số lượng ít nguyên liệu điều về Việt Nam mà giá điều trong nước đã rớt thê thảm như vậy, nếu thời gian tới nhập số lượng lớn sẽ đẩy giá điều trong nước giảm sâu hơn. Cũng theo ông Cầm, giá điều nguyên liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm. Giá điều thô ở châu Phi chào bán 1.300 - 1.400 USD/tấn, giảm 600 - 700 USD/tấn so với năm ngoái. Giá điều nhân thế giới cũng giảm mạnh, từ 9.000 USD/tấn xuống còn 7.500 USD/tấn.
Ông Cầm thông tin thêm, cả năm qua, ngành điều rơi vào lỗ lã, nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động, thậm chí đóng cửa dài hạn. Trước đây, DN nhập hàng ngàn, thậm chí chục ngàn tấn điều nguyên liệu nhưng từ đầu năm đến nay, các DN chỉ nhập vài trăm tấn, đủ để sản xuất. "DN có tâm lý chờ giá điều thế giới giảm thêm. Mặt khác, hầu hết DN ngành này phụ thuộc vốn ngân hàng, giờ ngân hàng ngại cho vay vì rủi ro cao nên DN không có tiền nhập nguyên liệu" - ông Cầm nói.
Tại hội nghị tổng kết ngành điều vừa diễn ra đầu năm nay, Hiệp hội Điều Việt Nam đã nêu những khó khăn trong năm qua và kêu gọi các DN chế biến điều xuất khẩu không nên thu mua điều nguyên liệu giá cao như trước mà chỉ mua ở mức 1.200 USD/tấn. Rút kinh nghiệm năm 2018, giá điều nguyên liệu tăng quá cao, DN đua nhau nhập nguyên liệu về chế biến nhưng giá xuất khẩu lại giảm mạnh, nhiều DN thua lỗ nặng. Các DN đã thống nhất "tiêu thụ đến đâu mua đến đó".
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đề nghị các DN không được nóng vội thu mua nguyên liệu ồ ạt như những năm trước. Theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, nguồn nguyên liệu điều trên thế giới còn rất nhiều, các nước xuất khẩu điều thô ở châu Phi đang tồn kho số lượng lớn nên nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm giá.
15.000 tấn điều Campuchia về Việt Nam mỗi ngày Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến điều hoạt động nhờ nguồn nguyên liệu điều thô trong nước và nhập khẩu từ Campuchia. Trung bình mỗi ngày có khoảng 15.000 tấn điều thô từ Campuchia được đưa về Việt Nam tiêu thụ. Dự kiến, sản lượng điều thô trong nước và Campuchia năm nay tương đương năm 2018. |