Giá giảm sâu, hiệu quả kém, nông dân chặt cao su

Giá giảm sâu, hiệu quả kém, nông dân chặt cao su
Được đánh giá là nước có năng suất cao nhất khu vực châu Á, tuy nhiên nhiều vườn cao su vùng Đông Nam Bộ vẫn đang bị chặt bỏ vì tình trạng giá giảm sâu, hiệu quả kinh tế kém.

Thống kê của Bộ NNPTNT cho biết, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt 519.000 tấn, kim ngạch 760 triệu USD. Dù xuất khẩu cao su đã tăng 13,6% về khối lượng nhưng lại giảm 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm cũng giảm xấp xỉ 22,3% so với cùng kỳ năm 2014, còn 1.457 USD/tấn.

Giá giảm sâu, hiệu quả kém, nông dân chặt cao su - 1

Giá mủ thấp, nông dân Bình Dương chặt bỏ hàng trăm ha cao su. Ảnh: T.H

Cùng với đó, giá cao su tại thị trường nội địa trong tháng 7 cũng tiếp tục giảm đáng kể, từ cao su thành phẩm đến giá mủ cao su nguyên liệu. Cụ thể, tại các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, giá cao su thành phẩm SVR 3L đã giảm từ 28.600 đồng/kg xuống còn 27.600 đồng/kg; cao su SVL10 giảm từ 23.600 đồng/kg xuống còn 22.800 đồng/kg. Giá mủ cao su thiên nhiên cũng đã giảm từ 9.900 – 9.920 đồng/kg xuống còn 8.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá mủ xuống mức thấp chỉ còn 6.080 đồng/kg vào cuối tháng 5.2015.

Ông Trần Ngọc Thuận- Chủ tịch Hiệp Cao su Việt Nam (VRA) nhận định, không chỉ trong năm 2015 mà kéo dài tới 2017, dự báo tình hình thị trường cao su vẫn còn ảm đạm, giá xuất khẩu khó phục hồi dù nhu cầu thị trường có tăng nhẹ.

Theo đó, nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới trong những năm tới vẫn trong tình trạng cung vượt cầu từ 300.000 – 500.000 tấn. Do đó, giá xuất khẩu khó có thể phục hồi. Ngoài ra, những biến động về giá dầu thô, tỷ giá, bất ổn chính trị… cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến thị trường cao su.

Giá giảm sâu trong khi chi phí đầu tư chăm sóc cũng như khai thác mủ lớn, hiệu quả kinh tế mang lại không nhiều nên từ đầu năm đến nay, nhiều vườn cao su tiểu điền tại các tỉnh đã bị chặt bỏ. Tại Bình Phước, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.800ha cao su bị chặt bỏ hoặc thay thế bằng các cây trồng khác. Tương tự, diện tích vườn cao su bị đốn hạ tại Đồng Nai cũng đã lên đến hàng trăm ha. Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết, diện tích vườn cao su bị đốn hạ đang có xu hướng tăng dần, dù cơ quan này chưa có thống kê chính xác về diện tích vườn cao su bị chặt bỏ.

Trước những khó khăn trên, VRA mới đây đã kiến nghị miễn tiền thuê đất khoảng 6-7 năm trong thời kỳ cây cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, sau khi có thành phẩm doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng thuế như quy định...

Theo Thuận Hải/danviet.vn