Giá heo hơi mới nhất 13/11: Tình hình chăn nuôi cả nước hiện ra sao?
- Thứ ba - 13/11/2018 04:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Miền Bắc giá lợn hơi đồng loạt dưới 50.000 đồng/kg, miền Nam vẫn cao nhất
Sau dịp tăng giá mạnh vào những tháng trước, trong tháng 10/2018, giá lợn hơi tại miền Bắc có xu hướng giảm, nhiều địa phương giảm 4.000 – 7.000 đồng/kg xuống còn khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 13/11 cả nước ít biến động, giao dịch phổ biến từ 44.000 - 52.000 đồng/kg. Ảnh: H.Đ
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi trong tháng 10 tại một số tỉnh như Hải Dương hiện đang dao động từ 49.000 – 50.000 đ/kg, tại Hà Nam giá dao động từ 48.000 – 50.000 đ/kg, Vĩnh Phúc với mức giá phổ biến 49.000 đ/kg, Nam Định 50.000 đ/kg.
Các tỉnh khác như Tuyên Quang, Phú Thọ, giá lợn hơi cũng giảm 1.000 – 4.000 đ/kg xuống còn 48.000 – 51.000 đ/kg. Giá lợn hơi xuất chuồng tại Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang giảm 5.000 – 6.000 đ/kg xuống khoảng 48.000 – 49.000 đ/kg.
Như vậy, sau nhiều ngày giảm giá, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh ở miền Bắc đã giảm xuống dưới 50.000 đ/kg, hiện đang dao động ở mức thấp nhất 44.000-45.000 đồng/kg, cao nhất 48.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm 1.000 đ/kg. Cụ thể, Quảng Bình giá là 50.000 đ/kg. Các địa phương như Khánh Hòa, Ninh Thuận, giá khoảng 47.000 đ/kg.
Thanh Hóa, Hà Tĩnh giá vẫn đạt khoảng 50.000 đ/kg và 52.000 đ/kg; Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đạt 49.000 đ/kg; còn các tỉnh, thành còn lại dao động ở mức 45.000 – 47.000 đ/kg.
Tại các tỉnh miền Nam như Kiên Giang, Long An, Bình Dương, giá heo hơi giảm 1.000 đ/kg xuống 51.000 – 53.000 đ/kg; Tiền Giang giá giảm 2.000 đ/kg xuống 52.000 đ/kg. Các địa phương khác giá lợn hơi chủ yếu dao động trong khoảng 53.000 – 54.000 đ/kg; Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp có giá thấp hơn một chút, đạt 51.000 – 52.000 đ/kg.
Nguy cơ xâm nhiễm dịch tả heo châu Phi ngày càng lớn
Tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn đang có diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, thậm chí đã lây lan tới tỉnh Vân Nam - nơi gần với biên giới Việt Nam. Ảnh minh hoạ: I.T
Tại Trung Quốc, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện trên xúc xích đựng trong hành lý của hành khách người Trung Quốc tại sân bay của Hàn Quốc vào ngày 27/8/2018; trong xúc xích của một du khách từ Trung Quốc tại sân bay Hokkaido, Nhật Bản vào ngày 22/10/2018) cũng có thể đưa vi rút bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y thế thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 02/11/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có trên 58 ổ dịch xuất hiện tại 13 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây, Hồ Nam, Quý Châu.
Đáng chú ý, tỉnh Vân Nam cũng xuất hiện dịch tại Simao của thành phố Phổ Nhĩ, cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam chỉ khoảng 150km. Tổng cộng đã có hơn 210 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Do đó các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo: Nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh là rất cao.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 10 năm 2018 ước đạt 46 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 455 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Chín tháng đầu năm 2018 giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm chiếm gần 22,3 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2017; Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ trâu, bò và lợn đạt 2,44 triệu USD và 31,99 triệu USD, giảm 57,5% và giảm 51,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn: Cục Chăn nuôi |