Giá lợn (heo) hôm nay 25.10: Miền Bắc bất ngờ tăng lên 32.000 đ/kg, giá lợn miền Nam thấp nhất cả nước
- Thứ tư - 25/10/2017 23:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá lợn miền Bắc cao nhất cả nước
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, giá lợn hôm nay (25.10) tại khu vực miền Bắc vẫn ổn định, giao dịch phổ biến trong khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg, một số nơi tăng nhẹ 500 đồng/kg, lên 30.500 đồng/kg đối với loại lợn đẹp.
Đáng chú ý, lác đác một số địa phương có giá bán cao hơn hẳn như Hưng Yên dao động từ 30.000 - 32.000 đồng/kg; tại Hậu Lộc (Thanh Hoá), bà con nuôi lợn cho biết giá lợn hơi có thời điểm đạt 32.000 đồng/kg. Tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), một chủ trang trại cho biết giá từ 30.000 - 31.500 đồng/kg. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên mức giá trên 30.000 đồng/kg chỉ diễn ra cục bộ ở ít vùng.
Trong ngày hôm qua 24.10, anh Dương Phương Nam, một chủ trang trại ở Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, gia đình anh vừa bán 50 con lợn biểu 125kg với giá xuất chuồng 30.000 đồng/kg.
Giá heo (lợn) hôm nay 25.10 dao động từ 25.000 - 30.500 đồng/kg. Ảnh: Phạm Quân
Còn ông Hà Văn Minh, chủ trang trại lợn ở huyện Ý Yên (Nam Định) cho hay: Gia đình đang có đàn lợn trên 100 con sắp đến kỳ xuất chuồng. Hiện giá lợn hơi tại địa phương vẫn trong khoảng 27.000 đồng-29.000 đồng/kg. Giá lợn giống tại địa phương đã giảm xuống còn 300.000 đồng - 400.000 đồng/con.
Tại TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), giá lợn hơi hôm nay ở mức 30.000 đồng/kg, trong khi trước đó 3 ngày, một số nông dân phải bán với giá 27.000 đồng/kg; tại Mỹ Đức (Hà Nội), giá lợn hơi hiện cũng ở mức 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tại Phú Thọ chỉ đạt khoảng 28.000 đồng/kg.
Giá heo tại miền Trung, miền Nam hôm nay không tăng
Tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay vẫn tiếp tục nằm ở mức 27.500 - 30.000 đồng/kg, thị trường không có biến động do cung - cầu tại các khu vực này khá ổn định.
Còn tại khu vực Đông Nam Bộ, đây là khu vực đang có mức giá thấp nhất cả nước do chịu ảnh hưởng từ vụ gần 4.000 heo tiêm thuốc an thần hồi cuối tháng 9 tại lò mổ Xuyên Á (TP.Hồ Chí Minh). Đáng chú ý là nguồn cung tại địa bàn này vẫn rất lớn, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Đồng Nai nên thương lái lại càng "được đà" ép giá người nuôi heo. Hiện tại giá heo hơi tại đây đang ở mức 25.000 - 26.000 đồng/kg.
Thương lái chọn mua heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM). Ảnh: T.L
Ông Lê Xuân Hoàng – chủ trại heo Hai Hoàng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho hay: "Sức mua mấy ngày nay đã giảm mạnh, giá heo từ đó cũng sụt 2.000 - 3.000 đồng/kg, xuống chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg heo hơi, thậm chí với heo kém mã, thương lái còn chê ỏng chê eo không muốn bắt. Với mức giá này, tôi đã lỗ từ 500.000 - 600.000 đồng/con”.
Kể từ khi xảy ra sự việc gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, cho tới nay lò mổ Xuyên Á vẫn tạm ngừng hoạt động. Mới đây chủ cơ sở giết mổ này cho biết hiện tại lò mổ vừa hoàn tất việc lắp đặt 40 camera giám sát ở các khu vực nhập và nơi chờ giết mổ heo để quản lý và theo dõi hoạt động 24/24 giờ. Trong trường hợp lò mổ được phép hoạt động trở lại thì cơ sở cũng chỉ nhận heo của 7/20 thương lái không phát hiện thuốc an thần đợt vừa qua. Còn đối với 13 thương lái đang thi hành án phạt sẽ chỉ nhận sau 3 tháng nữa.
Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn, nhưng chưa nắm bắt được
Theo báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), thị trường nhập khẩu thịt lợn trên thế giới ngày càng lớn, nhất là thị trường Trung Quốc với gần 2,2 triệu tấn/năm, Nhật Bản 1,36 triệu tấn/năm, Philippines cũng nhập 195.000 tấn/năm… Đây đều là những thị trường rất tiềm năng và thuận lợi cho xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam.
Tiềm năng, cơ hội lớn, tuy nhiên, việc thịt lợn của Việt Nam đến nay vẫn rất hạn chế, chủ yếu là do khâu tổ chức sản xuất chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng của các nước nhập khẩu. Ông Lee Jong Beom, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Daewon (Hàn Quốc) cho rằng, vấn đề lớn nhất của thịt lợn Việt Nam là làm sao kiểm soát được những rủi ro về chất lượng và phải xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh.
Mỗi năm nước ta sản xuất được 4 triệu tấn thịt lợn hơi nhưng mới chỉ xuất khẩu được một phần nhỏ sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Ảnh: T.L
Ông Lee Jong Beom cũng cho biết, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Hàn Quốc đang ngày càng tăng nhanh, đạt trên 5,8 tỉ USD năm 2016. Tuy nhiên nguồn cung hiện nay chủ yếu đến từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha...
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cho biết sau thành công trong liên kết chuỗi xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản hồi đầu tháng 9.2017, hiện De Heus và các đối tác đang rất quan tâm tới kế hoạch xuất khẩu thịt lợn. "Không có lý do gì Việt Nam đã xuất khẩu được thịt gà vào Nhật Bản, mà thịt heo lại không" - ông Gabor cho hay.
Dự báo giá lợn (heo) cuối năm sẽ ổn định Tại một hội nghị về xúc tiến xuất khẩu thịt lợn mới đây, một số chuyên gia phân tích thị trường đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm giá lợn (heo hơi) tại Việt Nam sẽ khó có chuyện tăng giá đột biến, giá vẫn ổn định và ở ngưỡng thấp dưới 35.000 đồng/kg vì thị trường không thiếu nguồn cung thịt heo dù có thông tin cho rằng hơn 900.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng vì bị phá sản, hoặc gặp khó khăn trong đợt "bão giá" hồi giữa năm. Nói về nhận định này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: "Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ khó có đột biến, dù nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang treo chuồng và nhu cầu sử dụng thịt lợn sẽ tăng lên vào dịp Tết. Nguyên nhân là chúng ta hiện có rất nhiều trang trại và doanh nghiệp lớn đảm bảo được sự ổn định về con giống, nên chỉ cần có thị trường thì trong vòng 3 – 4 tháng, chúng ta đã có sản phẩm chăn nuôi”. Trong khi đó, lộ trình đàm phán xuất khẩu heo chính ngạch sang Trung Quốc vẫn đang tiếp tục được xúc tiến. Ông Tám cho biết, Trung Quốc trước mắt sẽ chỉ mở cửa đối với các mặt hàng mà nước này có nhu cầu lớn, như gạo, thủy sản... Đối với thịt lợn, thị trường Trung Quốc hiện vẫn có nhu cầu nhập khẩu nhưng là thịt lợn đã qua giết mổ, đông lạnh chứ không có chủ trương nhập khẩu lợn sống. |