Giá lợn tăng phi mã, cổ phiếu ngành chăn nuôi có dậy sóng?
- Thứ năm - 10/10/2019 10:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ ngày 4/10 đến nay, giá lợn hơi tại Việt Nam có 7 phiên tăng giá liên tiếp, hiện đạt mức 62.000 - 65.000 đồng/kg tại miền Bắc và 52.000 - 55.000 đồng/kg tại khu vực phía Nam. Tra cứu lịch sử giao dịch các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam một tuần trở lại đây nhận thấy sự phân hóa rõ rệt.
Phản ứng tích cực nhất có lẽ là cổ phiếu của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) khi tăng giá liên tiếp trong 3 ngày trở lại đây với mức tăng trên 10%, từ vùng giá 22.000 đồng lên xung quanh 25.000 đồng/cổ phiếu ngày 10/10.
Mặc dù trước đó lợi nhuận quý 3/2019 của DBC giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018 trước khi chuyển sàn từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HSX), nhưng với việc cơ bản giữ được đàn nái khoảng 30.000 con cộng với sản lượng lợn thịt đứng thứ 2 thị trường chỉ sau Tập đoàn C.P nên nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng rất lớn vào kết quả kinh doanh đột biến quý 4/2019 của Tập đoàn Dabaco nhờ doanh thu từ bán lợn.
Sự kỳ vọng đó không chỉ phản ánh quá việc tăng giá liên tiếp của cổ phiếu DBC mà khối lượng giao dịch những phiên gần đây của DBC cũng cải thiện rõ rệt, từ 30.000 - 40.000 cổ phiếu/phiên tăng vọt lên trên 100.000 rồi trên 200.000 cổ phiếu ba phiên ngày 8, 9, 10/10.
Cùng chung quan điểm, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng trong số các doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết trên sàn Dabaco sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của giá lợn.
Theo VNDIRECT, Dabaco chịu ảnh hưởng lớn từ biến động giá lợn khi 30% doanh thu năm 2018 của doanh nghiệp này đến từ phân khúc lợn giống và lợn thịt. Chưa kể đến phần doanh thu từ thứ ăn chăn nuôi cho lợn cũng chiếm trên 50% tổng sản lượng thức ăn do doanh nghiệp này sản xuất hàng năm.
Biểu đồ và khối lượng giao dịch cổ phiếu DBC thời gian gần đây |
Trong khi đó, VNDIRECT cho rằng, tỷ trọng doanh thu của mảng chăn nuôi lợn so với doanh thu thuần Tổng Công ty Chăn nuôi - Vilico (VLC) hiện còn ở mức rất thấp, chỉ xung quanh 2,0%. Hiện giá cổ phiếu VLC có khối lượng giao dịch rất thấp, chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên và giá dao động lên xuống từ 15.500 - 17.000 đồng/cổ phiếu.
Kể từ khi Công ty Cổ phần GTNFoods sở hữu chi phối Vilico, đơn vị này đã thay đổi chiến lược hoạt động của doanh nghiệp khi tập trung chính vào lĩnh vực sữa (Mộc Châu Milk), bên cạnh chè và rượu vang nhờ sở hữu 95% cổ phần Vinatea và trên 35% cổ phần tại Ladofoods.
Với Masan Meatlife (MML), Công ty con trực thuộc Tập đoàn Masan (MSN), do mới tham gia thị trường chăn nuôi và chế biến thịt kể từ năm 2018. Tuy nhiên, tháng 4/2019 doanh nghiệp buộc phải tạm dừng nhà máy do địa bàn nơi nhà máy đóng chân xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi nên ngành Thú y cấm vận chuyển lợn. MML mới chỉ hoạt động trở lại từ tháng 6/2019 và bắt đầu phân phối tại thị trường TP.HCM từ ngày 27/9 nên hiện mảng thịt đóng góp chưa được nhiều vào kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn Masan.
Cùng với CP và DBC, Masan cũng được cho là sẽ hưởng lợi lớn khi giá lợn hơi tăng kéo giá thịt mát tăng theo. |
Vì vậy, dù giá heo tăng mạnh nhưng giá cổ phiếu MSN khoảng 1 tuần trở lại đây không có nhiều biến động khi chỉ giao dịch xung quanh 77.000 - 79.000 đồng/cổ phiếu, số lượng khớp lệnh trung bình 200.000 - 400.000 cổ phiếu/phiên, khối lượng khá thấp.
Là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam với số liệu thống kê đàn nái trước dịch tả lợn Châu Phi khoảng 350.000 con, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam hiện nay trực thuộc sở hữu Công ty CP Pokphand (CPP) trụ sở ở Hong Kong - Công ty con trực thuộc Công ty mẹ CPG tại Thái Lan.
Mặc dù trong 7 ngày qua mỗi ngày C.P Việt Nam đều đặn tăng giá lợn 1.000 - 2.000 đồng/kg, song gần như chưa tác động ngay đến cổ phiếu CPP niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông khi trong 1 tuần trở lại đây mã cổ phiếu này duy trì ổn định xung quanh mức giá 0,64 - 0,67 đô la Hồng Kông (HKD)/cổ phiếu (1 HKD = khoảng 2.900 VNĐ).