Giá lúa gạo tăng mạnh trở lại

Trong 2 ngày qua, giá lúa, gạo đã bật mạnh lại khoảng 300-400 đồng/kg (tùy loại).

Sau thông tin Việt Nam trúng thầu cung cấp 200.000 tấn gạo (5% và 15% tấm) cho Indonesia, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã bật mạnh trở lại. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia trong ngành, nhìn tổng thể thì xu hướng giảm vẫn thể hiện rõ hơn.

Một số thương nhân chuyên kinh doanh lúa gạo tại Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp cho biết, trong 2 ngày qua, giá lúa, gạo đã bật mạnh lại khoảng 300-400 đồng/kg (tùy loại). Cụ thể, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 vượt lên mức giá 7.300-7.350 đồng/kg từ mức 7.000 đồng/kg, trong khi đó, giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp từ mức 4.500 đồng/kg tăng lên 4.800-4.900 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thanh Thọ, thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang), cho biết giá lúa, gạo tăng mạnh trở lại do nhu cầu mua vào của doanh nghiệp xuất khẩu tăng, trong khi đó, phụ phẩm là tấm, cám cũng đang hút hàng.

 

 
Giá lúa, gạo tăng mạnh trở lại do nhu cầu mua vào của doanh nghiệp xuất khẩu. (Ảnh: KT)
Còn theo ông Nguyễn Thành Hơn, thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang, hiện lúa hàng hóa trên thị trường gần như đã cạn và lúc này chúng ta lại trúng thầu cung cấp đến 400.000 tấn gạo (trúng thầu cung cấp cho Philippines và Indonesia mỗi quốc gia 200.000 tấn- PV) nên giá đã tăng lại.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam, cho biết thông tin bán được gạo cho Indonesia đã khuyến khích thị trường tăng nhiệt nhưng với khối lượng không quá lớn nên có thể giá gạo sẽ dịu trở lại.

Theo ông Bích, thì trường nội địa có tăng mạnh hay không còn phụ thuộc vào lượng gạo đang có trong kho của doanh nghiệp tham gia hợp đồng này nhiều hay ít.

"Nếu doanh nghiệp đã có sẵn gạo trong kho rồi mà ký được hợp đồng với giá 443 đô la Mỹ/tấn cho gạo 5% tấm và 442 đô la Mỹ/tấn cho gạo 15% tấm (giá FOB) đối với hợp đồng cung cấp 200.000 tấn cho Indonesia, thì tác động lên thị trường sẽ không lớn. Tuy nhiên, nếu kho của các doanh nghiệp có tham gia vào hợp đồng này vẫn còn trống và họ mới bắt đầu đi mua thì chắc chắn rằng giá gạo sẽ tăng và thậm chí có thể tăng đến mức giá doanh nghiệp có thể rơi vào mức lỗ", ông Bích cho biết.

Một số đầu mối chuyên cung cấp gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, với giá trúng thầu như vừa rồi, nhiều khả năng giá gạo thị trường nội địa của giống IR 50404 có thể tăng trở lại đến 7.500 đồng/kg, thậm chí vượt qua cả mức giá đó. Tuy nhiên, theo ông Bích, nhìn tổng thể trong mối tương quan giữa các nước xuất khẩu, gồm Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ thì xu hướng giảm vẫn thể hiện rõ hơn.

Cũng theo ông Bích, Thái Lan đang muốn đẩy nhanh tiến độ bán gạo ra do chất lượng gạo tồn kho của họ đang rất xấu (có đến 78% lượng gạo được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn và 17% lượng gạo tồn kho không đạt chất lượng làm lương thực- PV), trong khi đó, diện tích sản xuất lúa tại Ấn Độ được cải thiện do mưa xuất hiện nhiều trở lại.

Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong 18 ngày đầu tháng 9-2014, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đơn vị này đạt trên 210.500 tấn gạo, trị giá FOB đạt gần 86 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 18/9 đạt gần 4,5 triệu tấn, trị giá FOB đạt trên 1,9 tỉ USD./.

Theo TBKT Sài Gòn