Giá 'nhảy múa', lại lo chăn nuôi 'vỡ trận'

Giá cả nhiều loại gia súc, gia cầm bật tăng trở lại như "mồi nhử" để các nông dân, chủ trang trại tiếp tục bỏ vốn ra tăng đàn với số lượng lớn mà không có sự dè chừng. Việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc và nuôi theo kiểu chấp nhận lời ăn, lỗ chịu chứa đựng nhiều rủi ro khiến ngành chăn nuôi có thể "vỡ trận" nếu chính sách tái cơ cấu ngành này không kịp thời.

Chính thời điểm này, hồi năm ngoái đã diễn ra cuộc "khủng hoảng" giá thịt lợn chạm đáy chỉ còn 20.000 đồng/kg và cả nước phải vào cuộc "giải cứu". Còn thời điểm hiện tại, người tiêu dùng đang mua thịt lợn với giá 83.000-120.000 đồng/kg, lợn xuất chuồng giá 46.000-50.000 đồng/kg trong bối cảnh số lượng lợn nuôi của cả nước hiện nay giảm khoảng 5,4% so với cùng thời điểm năm 2017.

Giá thịt lợn tăng vọt trở lại đang làm nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương rục rịch sửa sang chuồng trại để tái đàn, bất chấp cảnh báo giá lợn có thể rớt trở lại khi nguồn cung dồi dào vào dịp cuối năm nay.

Rục rịch tái đàn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã khuyến cáo không nên tăng đàn lợn ồ ạt. Trên thực tế, giá lợn hơi trong nước biến động giảm trong quý I/2018 nhưng đã tăng trở lại trong tháng 4 và tháng 5 năm nay.

So với cuối năm 2017, giá lợn hơi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 16.000 đồng/kg lên 43.000 – 46.000 đồng/kg, có những nơi đạt gần 50.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại các tỉnh miền Bắc cũng tăng 11.000 – 12.000 đồng/kg, lên 43.000 – 47.000 đồng/kg.

Ở tỉnh Đồng Nai, "thủ phủ" chăn nuôi lợn của vùng Đông Nam bộ, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y của tỉnh này, đã phải lên tiếng cảnh báo các hộ chăn nuôi lợn cần tỉnh táo, tính toán cẩn thận nếu muốn tái đàn hay ồ ạt chăn nuôi lợn trở lại, bởi vì mức giá sẽ chỉ dao động trong thời gian ngắn, cần tránh việc nguồn cung vượt cầu.

Giá cá sấu, loại hình chăn nuôi đặc thù, cũng đang tăng trở lại, gấp đôi so với cùng thời điểm này của năm 2017 và cao gấp gần 3 lần so với cuối năm 2016, khiến cho hàng trăm trang trại ở Đồng Nai sốt ruốt muốn tăng đàn trở lại hoặc đăng ký nuôi với số lượng lớn.

Nhưng, rủi ro ở chỗ những trang trại chăn nuôi cá sấu ở đây là thị trường tiêu thụ không ổn định, chỉ trông chờ phần lớn vào thị trường Trung Quốc (tiêu thụ hơn 90% lượng cá sấu Việt Nam).

Nếu như nhiều trang trại, hộ chăn nuôi ồ ạt nuôi cá sấu vì thấy có lời sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Một khi phía Trung Quốc ngưng thu mua hoặc mua với mức giá bằng năm ngoái thì xem như các trang trại nắm chắc phần lỗ.

Việc này đã từng xảy ra cách đây gần 2 năm, giá cá sấu rớt mạnh từ mức gần 200.000 đồng/kg giảm về còn khoảng 50.000 đồng/kg, khiến người nuôi cá sấu khắp nơi thua lỗ nặng.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết những dư âm của giá lợn năm 2017 đến giờ vẫn chưa chấm dứt. Chúng ta cần tái cơ cấu lại, tính toán lại, không chỉ với chăn nuôi lợn mà còn với tổng đàn về gia cầm hay các loại vật nuôi khác.

chan-nuoi-JPG-3724-1528212589.jpg

Ngành chăn nuôi đang cần chính sách tái cơ cấu kịp thời

Chờ luật Chăn nuôi

Theo ông Vân, hồi năm 2017, trong nước đã đạt tới mức 387,1 triệu con gia cầm các loại, như vậy là xấp xỉ 400 triệu con gia cầm, được xếp vào tốp những nước có lượng gia cầm lớn trên thế giới.

Trong khi đó, so với mức tiêu thụ ở thị trường nội địa có quy mô dân số 92 triệu người dân và xuất khẩu còn hạn chế, tổng đàn gia cầm của chúng ta sắp sửa đến ngưỡng tràn. Nếu không tái cơ cấu, không tìm kiếm thị trường mới, đây là những thách thức lớn.

Riêng với chăn nuôi lớn, sau đợt "giải cứu" vào năm 2017, hiện cả nước còn 3,8 triệu con lợn nái. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết trong năm nay cố gắng giảm xuống còn 3,5 triệu con và đến năm 2020 sẽ giảm còn 3 triệu con lợn nái nhưng năng suất sẽ tăng lên 10 – 12%, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp (DN), trang trại và hộ chăn nuôi.

Trong vấn đề của ngành chăn nuôi hiện nay, ông Hoàng Thanh Vân cho rằng cần rà soát lại các cơ chế chính sách, bên cạnh việc phát triển những DN và trang trại thì đại bộ phận nông dân ở vùng sâu vùng xa vẫn xem việc chăn nuôi là sinh kế quan trọng đối với họ.

Cho nên, cần phải đánh giá lại các chính sách đang có hiện nay để có thể hỗ trợ tích cực cho người chăn nuôi nhỏ ở các địa phương, để họ có sinh kế ổn định và bền vững theo cái cách của họ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, nên có lộ trình để chuyển đổi từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Chăn nuôi phát triển bền vững phải đảm bảo sinh kế lâu dài cho người chăn nuôi, đặc biệt là với quy mô trang trại lớn sẽ làm gia tăng giá trị, hiệu quả sản xuất chăn nuôi cho người chăn nuôi.

Ông Dũng tỏ ra hy vọng các quy định mới trong dự luật Chăn nuôi (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã đệ trình trước Quốc hội về dự luật này hôm 1/6 – PV) sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển chăn nuôi trang trại, hàng hoá, nhất là bổ sung biện pháp xây dựng và tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi công nghiệp hiện đại để sản xuất hàng hoá.

"Việc ban hành Luật Chăn nuôi đã trở nên cần thiết bởi các văn bản pháp lý hiện hành của ngành chăn nuôi hoặc đã lạc hậu và có nhiều hạn chế sau nhiều năm thực hiện, hoặc chưa đủ để điều chỉnh các hoạt động của ngành chăn nuôi" – chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh.

Thế Vinh/http://thoibaokinhdoanh.vn