Giá nông lâm thủy sản xuất khẩu đều giảm

Giá nông lâm thủy sản xuất khẩu đều giảm
6 tháng đầu năm nay, mặc dù khối lượng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản đều tăng, tuy nhiên giá xuất khẩu đều đang giảm. Sức mua yếu, lượng tồn kho cao đang là nguy cơ đe dọa sản xuất nông nghiệp trong nước. Để tháo gỡ khó khăn trong thương mại nông sản, sáng nay, ngày 19/7, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp giao ban xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần.

 
                                          

Có giá mặt hàng xuất khẩu giảm đến hơn 30%
Theo Bộ NN&PTNT, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 13 tỷ đô la Mỹ, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cái khó hiện nay, là lượng xuất khẩu thì tăng, nhưng giá xuất khẩu lại giảm. Cụ thể, ngoài mặt hàng hồ tiêu, thì giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng nông sản chủ lực đều giảm, nhất là cao su – có lúc giá giảm tới hơn 30%.
Riêng về mặt hàng gạo, cả lượng và giá xuất khẩu đều giảm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dù thực hiện mua tạm trữ 500 nghìn tấn gạo, nhưng nông dân cũng khó có lãi như mọi năm.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết thêm: “Nông dân thì chắc là không có lãi như ý muốn. Doanh nghiệp thì gặp khó. Vì bây giờ tồn kho lúa Đông Xuân còn khá lớn, còn gần 700 ngàn tấn , mà giá mua lúa cao thế này – doanh nghiệp không dám bán vì sẽ càng lỗ.”
Đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ
Tại cuộc họp, một số giải pháp đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn của hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, như: giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay lãi suất thấp để thu mua tạm trữ nông sản, áp dụng lãi suất dưới 15% đối với các khoản vay cũ của doanh nghiệp.
                                         
                                Giá nông sản xuất khẩu giảm, nông dân và DN đều khó khăn- Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội ngành nghề kiến nghị sớm áp dụng việc miễn giảm, và gia hạn một số khoản thu như: thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì đóng gói hàng xuất khẩu; hoãn thuế xuất khẩu cao su thiên nhiên… Riêng giải pháp về thị trường sẽ được ưu tiên thực hiện sớm.
 “Bây giờ, trước mắt chúng ta phải đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, chế biến nhiều mặt hàng để xuất khẩu, tránh việc chỉ tập trung xuất thô và xuất vào một thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến giá cả.”- Ông Đỗ Văn Nam – Cục trưởng Cục Chế biến, thương mai nông lâm thủy sản và nghề muối nhận định.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, sẽ tiếp tục tháo gỡ các rào cản thương mại để đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu nông sản của cả năm nay là 26,5 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, quan điểm để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản là cố gắng mở rộng thị trường, tiêu thụ hết sản phẩm.
Vì vậy, rất có thể người nông dân, doanh nghiệp sẽ phải chia sẻ khó khăn – bằng việc phải bán nông sản với giá thấp. Tuy nhiên, việc làm này cần thiết để sản xuất không đình trệ, và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nông dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo vtc16.vn