Giá nông sản đang vào vùng nhiễu động
- Thứ sáu - 19/06/2015 23:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Điều đó cũng giống sự cảnh báo cho ngành sản xuất và kinh doanh nông sản của nước ta bấy lâu nay, hết chuyện đem cà chua đổ ra đường lại đến chuyện đem dưa hấu cho bò ăn; kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản như cà phê, điều... giảm.
Liên hệ đến báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) mới giật mình, các nước đều bàng hoàng khi WB giảm ước báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay từ 3% xuống còn 2,8%.
Nếu như trước đây, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu phải cậy vào phát triển kinh tế của các nước mới nổi thì nay, chính các nước này lại là lực cản.
Trong nhóm BRIC, chỉ có Ấn Độ tăng trưởng 7,5%. Brazil đang bị “tam tai” gồm khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế và lạm phát. Nga phải lúng túng với trừng phạt của phương Tây, giá dầu thô - món hàng xuất khẩu chính của nước này giảm mạnh. Trung Quốc đang giảm đà tăng nóng để vọng tăng trưởng bền vững.
Nhưng khi Trung Quốc hãm tăng trưởng, cũng có nghĩa nhiều loại hàng hóa nguyên liệu ứ đọng không bán được. Nghe rằng năm nay, Trung Quốc tiêu thụ dầu thô và năng lượng ở mức thấp nhất, tính từ năm 1997.
Có người đánh giá giai đoạn này là thời gian đen tối nhất đối với các nước sản xuất hàng nguyên liệu. Chỉ số S&P GSCI - một tham chiếu quan trọng của thị trường hàng hóa, đã rớt hơn 16% trong quí 1-2015. Đây là quí thứ ba liên tiếp có kết quả âm đối với chỉ số giá của 24 loại hàng hóa bao gồm năng lượng, nông sản, chăn nuôi, kim loại công nghiệp và kim loại quý.
Ngay cả dầu thô là mặt hàng “nhu yếu” và có thể nói là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế của nhiều nước, thì nay trên các sàn hàng hóa dầu thô thế giới đều giảm.
Không chỉ mặt hàng năng lượng quan trọng này, nhiều loại hàng hóa nông sản khác đang chịu chung số phận.
Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), trong báo cáo phát hành đầu tháng 6-2015, cho biết giá nông sản thực phẩm đang xuống mức thấp nhất tính từ sáu năm nay. Giá ngũ cốc trong tháng 5-2015 giảm 3,8% vì theo FAO các kho dự trữ còn quá nhiều.
Chính vì vậy, một chuyên gia WB cảnh báo, phát triển hay đang phát triển, tất cả các nước đều phải sẵn sàng “thắt dây an toàn” trong những tháng tới vì nền kinh tế toàn cầu đang đi vào vùng “nhiễu động”.
Đợt chỉnh giá hàng hóa theo hướng xuống, cộng với ý định tăng lãi suất ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay sẽ làm cho những nước sản xuất và xuất khẩu hàng nguyên liệu sẽ phải khốn đốn, trong đó hàng hóa nông sản rất cần được đặc biệt lưu ý.
Giá hàng hóa trước đây có thời gian tăng cực mạnh, thực ra không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thực tế mà từ sức mạnh đồng tiền. Giá cao kích nông dân tăng diện tích và sản lượng vì tưởng nhu cầu ấy là thực. Đến bây giờ, tuy không nói trắng ra, WB chỉ yêu cầu thắt dây an toàn vì coi chừng giá bong bóng hàng hóa nổ!
Chẳng có gì bất ngờ khi WB và trước đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyên FED hoãn lại ý định tăng lãi suất đồng đô la Mỹ. Chỉ số đồng đô la Mỹ tăng sẽ là dịp cho các quỹ đầu cơ hàng hóa bán tháo và đồng thời đưa giá hàng hóa giảm thêm, trong khi tồn kho nhiều loại nông sản đang ứ là một lực cản khác cho giá nông sản tăng.
Khủng khoảng kinh tế cũng đang gây khó khăn cho dân chúng tại nhiều nước phát triển như mất việc làm, lạm phát, sức mua yếu... Cuối tháng 5-2015, nước Pháp đã ban hành luật cấm các siêu thị lớn trên toàn quốc hủy các loại thực phẩm hết hạn sử dụng, thay vào đó họ phải hiến tặng cho những người nghèo, thiếu ăn. Nếu người sử dụng không được, phải làm thức ăn gia súc.
Khỏi phải đắn đo, đây là một đạo luật hết sức nhân đạo. Nhưng, bên mặt kia của tấm huy chương, nếu như tất cả các nước đều bắt chước áp dụng luật này, tồn kho các loại hàng hóa nông sản sẽ không thể giảm nhiều, sức mua đi xuống và chắc chắn nông dân và các nước sản xuất nông sản càng phải “thắt dây an toàn” cho thật chặt.
theo thesaigontimes