Giá nông sản hôm nay 18.8: “Vàng đen” hồ tiêu mất mùa, thương lái méo mặt
- Thứ sáu - 18/08/2017 11:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Vua tiêu” cũng than mất mùa
Những năm qua hồ tiêu Việt Nam giữ vững vị trí “vàng đen” nhờ mang lại khoảng lợi nhuận khủng, giá cả tốt, nhu cầu thị trường cao. Vì vậy, không chỉ vùng trồng tiêu lớn ở Gia Lai – Kon Tum, nông dân các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… cũng đổ xô trồng tiêu.
Thế nhưng năm nay, nhiều hộ trồng tiêu các tỉnh Đông Nam Bộ bắt đầu “thấm đòn” vì mất mùa, giá tụt giảm thê thảm. Trao đổi với NTNN, vua trồng tiêu thế giới năm 2014 - ông Nguyễn Bá Thịnh (ngụ xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) than thở, năm nay “ông trời trở tính”, thời tiết thay đổi thất thường khi mùa tiêu ra hoa nên tỉ lệ đậu trái rất thấp. Nhiều hộ trồng các giống tiêu Vĩnh Linh (giống tiêu chủ lực ở Bình Phước) thì gần như mất trắng.
“Mùa mưa năm nay đến muộn, suốt mùa khô không có mưa trái mùa, trời nắng gay gắt vào dịp tháng 4 tháng 5 rồi sau đó lại mưa đột ngột vào cuối tháng 5 là thời kỳ cây phân mầm, ra hoa nên không đậu trái được”, ông Thịnh phân trần.
Kết quả là các vườn tiêu giống Vĩnh Linh ra hoa đợt này đều bị gãy đốt, rụng khớp hàng loạt. Chỉ một số hộ trồng giống tiêu Lộc Ninh, là giống tiêu chịu đựng được gió mạnh khá tốt và cho năng suất đều, có thu được sản lượng khá hơn.
“Phần lớn các vườn trồng tiêu chỉ thu được 20% sản lượng so với năm trước, nhiều hộ còn gần như mất trắng, vì các dé tiêu đều rất ngắn, hạt thưa nên sản lượng không bao nhiêu”, ông Thịnh cho biết.
Tại Đồng Nai, ông Trần Hữu Thắng, cũng là “vua tiêu thế giới” ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), thông tin thêm, năm nay bà con trồng tiêu gặp nhiều khó khăn hơn trước. Thời tiết diễn biến thất thường, sản lượng tăng cao do diện tích trồng tiêu đã tăng ồ ạt trong thời gian ngắn vừa qua, trong khi đó nhu cầu thế giới có phần chững lại… khiến giá tiêu năm nay giảm mạnh.
Đó là chưa kể, thời điểm tháng 3 – tháng 4 năm nay, nhiều cơn gió mạnh, lốc xoáy “càn quét” qua các tỉnh Đông Nam bộ khiến vườn tiêu xiêu vẹo, ngã đổ khắp nơi, ảnh hưởng tới năng suất. Ở các xã Lộc Quang, Phú Lộc, Lộc Thuận… (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), hàng chục nghìn nọc tiêu đã ngã đổ, chủ vườn thất thu hoàn toàn.
Cán bộ ngành nông nghiệp, khuyến nông thăm mô hình trồng tiêu của nông dân. Ảnh: T.L
Giá giảm sâu, thị trường bấp bênh
Cùng với việc mất mùa, 8 tháng đầu năm 2017 ghi nhận sự biến động khác thường ở mặt hàng hồ tiêu, giá giảm sâu khiến nhiều hộ trồng tiêu cũng như các doanh nghiệp, thương lái nhỏ “méo mặt” vì trữ tiêu chờ giá.
Bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) thông tin, trong tuần đầu tháng 8, giá hồ tiêu trong nước có tăng nhẹ do một số thị trường đẩy mạnh nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam, đặc biệt là tiêu sọ (tiêu trắng) trong khi lượng hồ tiêu từ Indonesia tung ra thị trường năm nay lại giảm hơn năm trước.
Tuy nhiên, việc tăng giá chỉ diễn ra rất chóng vánh và hiện tại, giá tiêu đang có xu hướng chững lại ở mức chỉ 90.000 – 93.000 đồng/kg, do người dân bắt đầu bán ra nhiều. Còn thời điểm cách đây một tháng, giá tiêu tụt dốc chỉ còn 75.000 đồng/kg. Có khi từ sáng đến chiều, giá tiêu trồi sụt với biên độ lớn, chênh lệch từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
“Thời gian qua hồ tiêu có lợi nhuận tốt, nhiều thương nhân đã đầu cơ, mua gom mạnh lúc thu hoạch rộ để hi vọng cuối năm bán giá cao hơn kiếm lời. Thế nhưng năm nay giá tiêu liên tục giảm, các thương lái này lo lỗ lớn nên luôn tìm mọi cách đẩy hàng ra với mong muốn giá cao hơn lúc mua để có thể kiếm lời”, đại diện VPA nhận định.
Trước tình hình này, VPA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát tín hiệu giá cả thị trường thế giới, tập trung vào việc giữ các thị trường truyền thống, xuất khẩu chính ngạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm hồ tiêu chất lượng...