Giá nông sản ngày 18.5: Đau đầu vì giá tiêu, cà phê lao dốc mạnh
- Thứ năm - 18/05/2017 09:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá hồ tiêu đang ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua, khiến những người mới trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên lâm vào cảnh khó khăn. Ảnh minh hoạ
Giá hồ tiêu giảm mạnh nhất trong 7 năm qua
Trên thị trường hồ tiêu ngày 17.5, giá tiêu nguyên liệu tại một số vùng của Việt Nam vẫn không ngừng đà trượt giá. Theo đó, giá hồ tiêu đã giảm sâu, mất thêm tới 3.000 - 4.000 đồng/kg so với 1 ngày trước đó. Cụ thể, giá tiêu tại Đăk Lăk, Gia Lai cùng ở mức 83.000 đồng/kg; giá hồ tiêu tại Đăk Nông là 82.000 đồng/kg; tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 84.000 đồng/kg. Riêng giá hồ tiêu tại Đồng Nai chỉ còn 81.000 đồng/kg.
Đây là mức giá thấp nhất trong gần 7 năm qua và đang khiến cả nông dân lẫn doanh nghiệp buôn bán, kinh doanh hồ tiêu hoang mang, lo lắng. Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, với mức giá trên, chỉ những nông dân nào rất khó khăn, cần tiền chi tiêu, trả nợ nần thì mới bán ra, còn đa phần bà con giữ lại chờ giá tăng lên. Tuy nhiên, tình hình này cũng rất khó để đưa ra dự báo giá hồ tiêu trong ngắn hạn.
Về phía doanh nghiệp, họ nhận định do nhiều năm qua giá tiêu tăng cao nên nông dân đổ xô trồng tiêu, khiến diện tích tăng nhanh, kéo theo sản lượng tăng, tức là doanh nghiệp không có áp lực về nguồn cung, vì thế doanh nghiệp có tâm lý chờ giá tiêu xuống mức thấp nhất mới mua vào.
Ngược lại, nông dân thấy giá tiêu xuống thấp nên giữ lại, với kỳ vọng giá sẽ tăng. Theo đánh giá của Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai, giá tiêu hiệu nay đang là cuộc giằng co giữa bên bán và bên mua, nên chưa thể nói được điều gì và trong thời gian tới giá tiêu tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào tâm lý của các bên.
Trong khi đó, trên sàn giao dịch thế giới (sàn Kochi - Ấn Độ), giá hồ tiêu giao ngay cũng lao dốc mạnh. Giới chuyên gia phân tích giá tiêu thế giới giảm là bởi thị trường đồn đoán rằng Ấn Độ sẽ nhập thêm nhiều hồ tiêu hơn từ Sri Lanka. Theo đó, giá tiêu ngày 17.5 đã giảm tới 600 rupee/tạ xuống còn 52.200 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 54.200 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Trên thị trường kỳ hạn, chỉ có 12 tấn tiêu được giao dịch ở mức giá 510 – 520 rupee/kg.
Giá cà phê biến động vì áp lực bán tháo
Tại cảng TPHCM giá cà phê robusta theo giá FOB phiên 17.5 giảm 10 USD xuống ở 1.874 USD/tấn. Giá cà phê tại một số tỉnh Tây Nguyên cũng đã giảm khá mạnh, từ 400 – 500 đồng/kg trong sáng 17.5, đúng như dự đoán của các chuyên gia.
Với đợt giảm này, giá cà phê tại một số huyện đã lùi hẳn về ngưỡng 42.000 đồng/kg, ở những huyện còn lại, giá vẫn giữ được ngưỡng 43.000 đồng/kg.
Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam (nguồn: tintaynguyen)
Thị trường cà phê đang chịu nhiều áp lực giảm do triển vọng sản lượng và nguồn cung lớn trên thị trường thế giới. Theo đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 10 USD, tương đương 0,5% chốt ở 1.959 USD/tấn. Giá arabica kỳ hạn tháng 7 chốt phiên giảm 2 cent, tương đương 1,5% xuống mức 1,3145 USD/lb.
Tồn kho cà phê nhân trong tháng 4 đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất kể từ năm 2001.
Tuần trước, Viện Thống kê và Địa lý Brazil (IBGE) nâng dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong năm 2017 khiến động lực tăng giá trên thị trường cà phê không còn. Trong khi đó, dự báo về nhu cầu tiêu thụ thấp do phần lớn các doanh nghiệp rang xay không có xu hướng mua nhiều trên thị trường giao ngay.
Theo phân tích của chuyên gia độc lập Nguyễn Quang Bình, dự báo giá cà phê tuần này rất khó tăng vì có nhiều tin xấu. Giao dịch hàng thực yếu, cộng với tỷ lệ đặt cược lên đến 70% của giới kinh doanh tài chính cho rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ tăng lãi suất căn bản đồng USD vào tháng 6.2017, căng thẳng địa chính trị khi có tin Bắc Triều Tiên bắn thử thành công tên lửa đạn đạo và rơi xuống vùng biển Nhật Bản vào sáng sớm ngày 14.5... là những thông tin có thể ảnh hưởng đến giá hàng hoá thế giới trên các sàn giao dịch kỳ hạn, trong đó có cà phê.