Giá ớt tăng gấp 10 lần

Chưa bao giờ giá ớt để xuất khẩu lại tăng nhanh như những ngày qua. Chỉ trong vòng 1 tháng nay, giá ớt trên thị trường Thanh Hóa đã tăng từ 5.500 đồng/kg lên đến 55.000 đồng/kg (gấp 10 lần so với trước).

 

Giá tăng gấp 10 lần

Theo bà Hoa – một tiểu thương ở chợ đầu mối TP. Thanh Hóa, mấy tuần trước, giá bán sỉ ớt xuất khẩu thường dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, có những ngày không bán được, nhiều tiểu thương phải đem ớt ra phơi khô để làm ớt bột. Nhưng gần 1 tuần nay, giá ớt tăng một cách “chóng mặt”. Sáng ngày 20.5, giá ớt xuất khẩu bán sỉ đã là 45.000 đồng/kg. Mặc dù giá cao như vậy nhưng cũng không có ớt để bán.

Nông dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) thu hoạch ớt xuất khẩu.

Tại nhiều chợ bán lẻ, giá ớt cũng tăng nhanh. Chị Lâm – một người có “thâm niên” bán hàng rau ở chợ Đông Thành, TP.Thanh Hóa cho biết: “Những ngày trước, ớt xuất khẩu thường bán với giá dao động từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, nhưng đến chiều 18.5, giá ớt đã lên tới 35.000 đồng/kg và đến sáng 19.2, đã lên tới 45.000 đồng/kg, thậm chí ngày 20 và 21.5 ớt ở chợ bị “cháy” hàng”.

Trước tình hình giá ớt lên “cơn sốt” như vậy, chúng tôi tìm về các huyện có diện tích trồng ớt xuất khẩu khá lớn như Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa... và ghi nhận giá ớt cũng tăng nhanh một cách bất thường.

Ông Đoàn Công Nhạc dự báo, vài ngày tới, giá ớt xuất khẩu trên thị trường sẽ giảm nhiệt, có thể chỉ còn 35.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Tình – chủ đại lý Tình Cằm, chuyên thu mua các loại lương thực, thực phẩm ở xã Định Liên, huyện Yên Định cho hay: “Chỉ gần 1 tháng trước đây, mỗi ngày tôi thu mua được từ 10 – 20 tấn ớt xuất khẩu, thậm chí có những ngày lên đến 30 tấn với giá 5.500 đồng/kg, cao lắm cũng chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Nhưng vài ngày gần đây, giá mua bán tăng rất nhanh. Nếu như ngày 18.5, giá thu mua là 30.000 đồng/kg, thì đến chiều cùng ngày đã lên tới 35.000 đồng/kg, và sáng ngày 20.5, giá vọt lên 40.000 đồng/kg, còn hàng đẹp thì 50.000 đồng/kg cũng không có để mua”.

Mặc dù giá cao như vậy, nhưng các đại lý như chị Tình cũng không dễ kiếm được hàng, giỏi lắm cũng chỉ mua được từ 1 – 2 tấn/ngày. “Hàng ngày, thu gom được hàng xong, tôi lại cho xe chở lên cửa khẩu để nhập sang Trung Quốc. Không hiểu sao đợt này họ lại thu mua ớt với giá cao như vậy?” – chị Tình cho biết.

Tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, mặc dù đang lên “cơn sốt” ớt, nhưng HTX thu mua lệch rất nhiều so với giá thị trường. Một số người dân trồng ớt ở thôn Đoài cho biết: Thu nhập của người nông dân quanh năm chỉ trông chờ vào cây lúa, rau màu các loại, với mong muốn bán được giá. Nhưng những ngày gần đây, mặc dù ớt trở nên khan hiếm, giá tăng cao, nhưng chúng tôi vẫn bị HTX ép bán với giá thấp hơn thị trường. Ngày 19.5, giá của HTX thu mua là 18.000 đồng/kg, trong khi đó giá ngoài thị trường là 26.000 đồng/kg. Thậm chí có những tiểu thương mua cao hơn thế nữa. Đến sáng 21.5, giá thu mua của HTX là 49.000 đồng/kg, giá thị trường từ 53.000 - 55.000 đồng/kg (tăng gấp 10 lần so với đầu vụ).

Vì sao giá ớt “sốt”?

Vì sao HTX Vĩnh Thịnh lại mua ớt của nông dân với giá thấp hơn thị trường? Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Công Nhạc – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp và XNK nông sản Thanh Hóa (công ty đã ký hợp đồng với HTX Vĩnh Thịnh về việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân), cho biết: “Ngay từ đầu vụ, công ty đã ký hợp đồng với HTX về việc bao tiêu sản phẩm ớt cho nông dân với mức giá tối thiểu 5.000 đồng/kg và sẽ điều chỉnh tăng theo đúng giá thị trường. Công ty đã đầu tư trả chậm về giống, thuốc bảo vệ thực vật và mở các lớp tập huấn về kỹ thuật cho người trồng ớt. Vì vậy, với mức giá 49.000 đồng/kg (ngày 21.5), thì công ty không thể thu mua hơn được nữa, nếu không sẽ bị lỗ”.

Ông Nhạc cũng cho hay, những ngày gần đây, thị trường ớt xuất khẩu Thanh Hóa lên “cơn sốt” như vậy là do thời tiết ở bên Trung Quốc có nhiều diễn biến thất thường, nên nhiều cánh đồng ớt của họ gần như mất trắng. Vì vậy, phía đối tác tăng cường thu mua và mặt hàng này càng trở nên khan hiếm...

Theo danviet.vn