Giá rau cao kỷ lục, nông dân thu lãi tiền triệu

Hơn 10 năm trồng rau, lần đầu tiên người dân trồng rau tại làng rau Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) như mở cờ trong bụng vì vụ rau trước Tết Bính Thân đạt giá kỷ lục, nhiều hộ lãi cả vài chục triệu đồng.

Theo Quách Văn Cầu - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa cho biết, hiện khối Thuận Nghĩa có 414 hộ dân thì có đến 366 hộ dân làm kinh tế bằng nghề trồng rau, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt gần 50 triệu đồng/năm. Với diện tích 36 ha, vào chính vụ, người dân vùng rau Thuận Nghĩa xuất bán 5-10 tấn rau sạch mỗi ngày ra thị trường. Đặc biệt, từ năm 2010, người dân ở đây bắt đầu trồng rau theo phương thức VietGAP với 65 hộ dân tham gia.

2-1456283137182

Người trồng rau Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn, Bình Định) thắng lớn vì giá tăng cao kỷ lục hơn 10 năm trở lại đây

Ông Cầu chia sẻ: Hơn 10 năm trồng rau thì đây là lần đầu tiên người dân trồng rau ở khối Thuận Nghĩa phấn khởi vì rau được mùa, được giá. Giá rau, củ, quả tăng kỷ lục, tăng gấp 2-3 lần, thậm chí trước Tết Nguyên đán có loại rau tăng gấp 10 lần.

Cụ thể: giá cải xanh, cải ngọt tăng từ 6.000 đồng/kg thì thời điểm cận Tết tăng lên 15.000 - 20.000 đồng/kg, đậu cove từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tăng lên 15.000 – 20.000 đồng/kg, cải cúc (cúc tần) 3.000 đồng/kg tăng 12.000 đồng/kg, ngò thơm 2.000 đồng/bó… Đặc biệt, có loại rau, quả trước đây bán rẻ như bèo thì trước Tết tăng chóng mặt như: khổ qua 30.000 đồng/kg, dưa leo đạt kỷ lục 20.000 đồng/kg,… thương lái về tận vườn giành nhau thu mua. Hiện giá các loại rau đã giảm so với trong Tết nhưng vẫn còn ở mức cao so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Nông dân Thuận Nghĩa đang chăm sóc rau vụ sau Tết
Nông dân Thuận Nghĩa đang chăm sóc rau vụ sau Tết

Theo người trồng rau ở Thuận Nghĩa, lý do giá rau xanh tăng cao đột biến do thời tiết các tỉnh phía Nam năm nay ít mưa. Trong khi đó, ở các tỉnh phía Bắc phải chịu những đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến cho các loại rau, củ, quả không phát triển được, năng suất thấp. Mặt hàng rau xanh khan hiếm đã đẩy giá rau củ từ trước Tết đến nay tăng cao kỷ lục.

Bà Quách Thị Cúc (54 tuổi, khối Thuận Nghĩa), thuê 5 sào đất màu quanh năm trồng các loại rau ngò, cải cúc, cải ngọt, hành tím… cho thu nhập vài chục triệu mỗi năm. “Mọi năm giá các loại rau rẻ như bèo thì vụ rau trước Tết năm nay giá cao bất thường, ai cũng bất ngờ. Thương lái đến tận vườn nhổ rau, thu mua nhưng không có rau mà bán. Vụ rau năm 2015 vừa qua, gia đình lãi 50 - 60 triệu đồng”, bà Cúc cho biết.

Còn bà Phan Thị Quý (ở khối Thuận Nghĩa), người chuyên lấy sỉ rau ở Thuận Nghĩa rồi bán lại cho các mối bán rau tại các chợ trên địa bàn huyện Tây Sơn cho biết: Từ ngày đi buôn rau đến nay, chưa có năm nào giá rau tăng cao đến vậy. Năm nay, nông dân trồng rau ở Thuận Nghĩa thắng lợi lớn nên người buôn như chúng tôi cũng hưởng lây.

Người trồng rau phấn khởi thì những người buôn rau cũng vui lây
Người trồng rau phấn khởi thì những người buôn rau cũng vui lây
Nông dân đang nhổ rau để bán cho thương lái sau Tết
Nông dân đang nhổ rau để bán cho thương lái sau Tết

Tuy nhiên được mùa được giá song ông Trần Văn Trường vẫn không khỏi lo lắng vì không chỉ với người trồng rau mà hiện nay với đa phần người nông dân trồng các loại nông sản nói chung đều phụ thuộc nhiều vào tư thương. Do đó giá cả rất bấp bênh. “Nghề trồng rau ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết, còn phụ thuộc vào tư thương. Bỏ công sức, tiền của ném ra đồng trồng rau, nhưng giá rau rẻ thì lỗ vốn. Nếu giá rau cứ như năm nay, thậm chí giữ giá bằng nửa so với trước Tết là nông dân có lãi”, ông Trường nói.

Theo dantri.com.vn