Giá tăng, người nuôi cá tra vẫn thận trọng

Giá tăng, người nuôi cá tra vẫn thận trọng
hời gian qua, tại các tỉnh ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu đã tăng mạnh trở lại, do nhu cầu của các thị trường nhập khẩu tăng lên và sản lượng cá nuôi giảm. Với tình hình này, người nuôi đã có lãi, tuy nhiên, vẫn rất bấp bênh.

Giá cá khởi sắc

Từ những ngày đầu tháng 3, giá cá tra nguyên liệu tại Hợp tác xã (HTX) cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã có xu hướng tăng. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, giá cá tra đã tăng nhẹ (1.000 - 1.500 đồng/kg) so với tháng 2 và ở mức khoảng 24.000 đồng/kg. Những ao cá thu hoạch thời điểm này chủ yếu thả nuôi đợt trong Tết khi nguyên liệu đầu vào, con giống rẻ…; tính trung bình 1 ha nuôi cá với sản lượng 500 tấn, người nuôi lãi hơn 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ nhiệm HTX cá tra Tân Phát (Vĩnh Long) cho biết, giá bán cá có hai hình thức, bán xong sau 3 ngày thanh toán 23.000 - 23.200 đồng/kg, sau 1 tháng thanh toán 23.800 đồng/kg. Nếu người nuôi nuôi cá khéo mới duy trì lãi 1.000 đồng/kg, không thì với mức giá trên, người nuôi vẫn chưa có lời. Do vậy, nhiều người vẫn chưa mặn mà quay lại với con cá tra.

Theo Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, diện tích và sản lượng cá tra của một số tỉnh tháng 2 đều giảm so cùng kỳ năm trước. Tại Cần Thơ với diện tích 480 ha (giảm 8,57%), sản lượng 7.540 tấn (giảm 5,99%); Vĩnh Long 277 ha (giảm 10%), sản lượng 19.735 tấn (giảm 11,5%); Đồng Tháp 989 ha (giảm 4,7%), sản lượng 31.475 tấn (giảm 0,9%). Nhiều tỉnh chủ trương không mở rộng diện tích thả nuôi.

Mặc dù giá tăng nhưng người nuôi cá tra không mặn mà thả nuôi - Ảnh: An Đăng

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, diện tích nuôi cá tra giảm do người nuôi bị thua lỗ nặng từ những năm trước không còn khả năng tái đầu tư. Tuy nhiên, nếu giá nguyên liệu tăng, người nuôi có lãi sẽ tìm cách sản xuất trở lại. Ông Hải cũng dự báo nguồn nguyên liệu năm nay sẽ giảm so với năm 2013.

 

Làm gì để người nuôi trở lại ao cá?

Một thời gian dài, ngành cá tra rơi vào tình trạng sản xuất dư thừa, cung lớn hơn cầu, khiến người nuôi thua lỗ, “treo” ao, không mặn mà với việc thả nuôi. Trong khi đó cá tra là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, với 236 doanh nghiệp xuất khẩu, 94 nhà máy chế biến. Sản phẩm cá tra Việt Nam được xuất sang 149 quốc gia, chiếm 97% thị trường thế giới, nhưng người nuôi vẫn chưa yên tâm thả nuôi. Giai đoạn 2005 - 2009 tỷ lệ người nuôi thua lỗ là 30%, năm 2013 lên đến 50%.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex, để người nuôi có lãi, hiện tại không nên tác động vào nguồn cung của thị trường, cứ để thị trường “rơi” theo quy luật tự nhiên và tự điều tiết. Bởi theo quy luật, nếu cá tra nguyên liệu thiếu, giá sẽ tăng, người nuôi mới có lãi. Thời điểm này, nếu giá cá tăng, sẽ làm thức tỉnh người nuôi và địa phương nên quy hoạch lại diện tích để cung cấp sản lượng phù hợp thị trường. Việc giảm sản lượng cá tra có thể gây khó khăn về nguyên liệu thời gian đầu nhưng không gây tổn thất lớn như tình trạng sản xuất ồ ạt của những năm trước. Về lâu dài, cần thống kê sản lượng cụ thể, quy hoạch từng vùng, từng địa phương cả diện tích, sản lượng… 

>> Nhiều người nuôi cá tra mong muốn, ngân hàng nên cho vay những gói tín dụng tốt, để đầu tư tái sản xuất; mức lãi suất nên áp dụng hiện nay dưới 10%, bù lại thời gian dài áp mức lãi suất hơn 10%.

Thảo Dương 
Nguồn: thủy sản việt nam