Giá thịt lợn Việt Nam rẻ nhất thế giới, "giải cứu" thế nào?
- Thứ hai - 24/04/2017 04:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sáng nay 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp ngành chăn nuôi nhằm tìm ra giải pháp "giải cứu" thịt lợn trong bối cảnh giá đang xuống dốc thảm hại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chăn nuôi lợn và chế biến thức ăn chăn nuôi đang bộc lộ một số tồn tại bất cập về thị trường, trong đó đặc biệt là thị trường thịt lợn. Hiện tại, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ còn ở mức 20.000-25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới.
"Giá thịt lợn hơi đã xuống đáy trong vòng nhiều năm qua. Với mức giá này, giá thịt lợn Việt Nam đang rẻ nhất thế giới và sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng Hè nắng nóng tới", người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
Theo ông Cường, hiện có 2 nhóm nguyên nhân khiến giá lợn giảm thấp đó là do cung lớn hơn cầu, sản lượng thịt lợn ngày càng tăng mạnh. Bên cạnh đó là do việc tổ chức ngành hàng không tốt, hiện mới chỉ có 45% chăn nuôi trang trại quy mô lớn, còn lại chiếm tới 55% chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nên không kiểm soát được quy mô.
Theo ông Cường, khâu tổ chức thị trường hiện còn rất kém, từ thị trường nội địa tới xuất khẩu. Trong nước người dân vẫn phải tiêu dùng thịt lợn với giá cao, còn các nước trong khu vực hầu hết phải nhập khẩu thịt lợn số lượng lớn như Philippines, Singapore, Trung Quốc... nhưng thịt lợn Việt Nam vẫn chưa thể chính ngạch vào các thị trường này.
Trên cơ sở những khó khăn đang phải đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, chế biến thịt lợn tăng lượng thu mua dự trữ, giảm giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi, cố gắng tăng giá thu mua lợn cho nông dân, giảm giá bán đầu ra.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất, đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Đồng thời phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi nhằm "giải cứu" tình trạng giá thịt lợn đang xuống giá thảm hại. Theo đó, nhằm từng bước ổn định phát triển chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp, trong đó cả giải pháp trước mắt và lâu dài.
Cụ thể, về trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn muốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ này phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi; đẩy mạnh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua giết mổ cấp đông thịt heo, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, qua đó, cũng hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh cho ngành chăn nuôi trong nước.
Về nhóm giải pháp lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai các biện pháp tổng thể, trong đó có các giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước tiềm năng...
Hòa Lộc
http://doanhnghiepvn.vn