Giá thịt lợn phụ thuộc vào thị trường nội địa

(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, giá lợn hơi xuất bán tại các cơ sở chăn nuôi đang giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Với giá lợn hơi khoảng 30.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi phải chịu lỗ mỗi con lợn cả triệu đồng. Thế nhưng có một nghịch lý là trên thị trường bán lẻ, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã có những trao đổi về vấn đề này và nêu giải pháp để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

Thưa ông, trước hết ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao giá lợn hơi lại giảm mạnh trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Nguồn cung của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng khá dồi dào, trong khi sức mua của thị trường về các sản phẩm chăn nuôi thấp hơn. Ngoài ra cũng có những bất cập trong vấn đề điều tiết của khâu lưu thông, phân phối.

Việc giá lợn hơi giảm là do người chăn nuôi tăng “nóng” đàn lợn trong thời gian qua, cùng với đó là tác động khá lớn từ sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bởi lâu nay lợn của chúng ta chủ yếu xuất khẩu vào thị trường này.

Điều này đã được Bộ NN&PTNT cảnh báo, ngay những thời điểm giá lợn hơi ở mức 55.000-58.000 đồng/kg thì Bộ đã chỉ đạo các địa phương không tăng quy mô đàn nái bằng mọi giá mà nên theo hướng thay đổi cơ cấu chất lượng giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. 

Ông có thể nói rõ hơn về cảnh báo của Bộ NN&PTNT đưa ra ngay từ khi giá lợn còn cao như vậy không?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Vì suất đầu tư cho chăn nuôi lợn rất cao, nhất là con nái, trung bình từ 20-30 triệu đồng/nái và thời gian khai thác khoảng 3 năm. Nếu tăng quá mức sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ và chất lượng lợn nái không bảo đảm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi, đặc biệt khi giá lợn thịt xuống thấp như hiện nay. Tuy nhiên khuyến cáo này chưa được người chăn nuôi quán triệt đầy đủ, đương nhiên là cũng không trách họ được, vì quy luật giá trị mà.

Tôi cũng nói thêm liệu vấn đề giảm giá có phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu của Trung Quốc hay không? Hiện nay, lợn và thịt lợn của Việt Nam chưa có trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc và thực tế có tới trên 90 % sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Vậy tại sao chỉ có khoảng 10% sản phẩm xuất khẩu sang các nước xung quanh, trong đó phần nhiều là Trung Quốc qua hình thức tiểu ngạch lại tạo nên sự lệ thuộc như thế? Theo tôi là do vấn đề thông tin chưa thực sự đầy đủ, thậm chí là gây bất lợi cho sản xuất trong nước.

Có một thực tế là lâu nay chăn nuôi của chúng ta vẫn chủ yếu là theo phong trào, khi thấy giá lợn lên thì đua nhau tăng đàn dù chưa nắm bắt và phán đoán được những tín hiệu của thị trường để điều chỉnh việc chăn nuôi theo nhu cầu. Đây có phải đang là điểm nghẽn lớn của ngành chăn nuôi hay không thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Đây là một thực tế của nông nghiệp nước ta từ lâu nay vốn đang được tái cơ cấu tập trung lại từ kinh tế hộ nhỏ lẻ với quá nhiều người tham gia vào quá trình sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, gần đây đã giảm đi khá nhiều do cạnh tranh mà không ít các nông hộ sản xuất theo hình thức tận dụng khó có thể tồn tại, nhất là sản xuất chăn nuôi, lĩnh vực chứa đựng nhiều yếu tố kỹ thuật, yếu tố công nghiệp và hội nhập cao, đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh phải chuyên nghiệp và nắm bắt được thị trường.

Thị trường và giá cả đang là vấn đề lớn của nông nghiệp Việt Nam chứ không riêng gì chăn nuôi và chăn nuôi lợn của nước ta. Điều này rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng vì nông nghiệp, nông thôn không của riêng ai. 

Đứng dưới góc độ nhà quản lý, ông suy nghĩ thế nào về hiện tượng này?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Nghịch lý hiện nay là giá lợn cửa chuồng thì rẻ trong khi giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn không giảm là bao nhiêu. Đây là một thực tế bất cập mà thua thiệt luôn thuộc về người chăn nuôi là điều mà chúng ta những người làm quản lý, làm nông nghiệp và cả người tiêu dùng đều không mong muốn.

Còn lý do thì có nhiều nhưng sâu xa vẫn là chúng ta chưa thực sự ứng xử một cách đầy đủ từ công tác quản lý, đến hoạt động sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ các phẩm chăn nuôi một cách chuyên nghiệp theo kinh tế thị trường, mặc dù về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đã rõ và khá hoàn chỉnh rồi. Chứ còn nếu chỉ đổ cho riêng thương lái thì nhất định là không thỏa đáng, vì họ là người kinh doanh thì đương nhiên không phải làm từ thiện rồi. Tuy nhiên làm công tác quản lý chăn nuôi, tôi cũng thực sự muốn rằng, những thương lái, thu mua và giết mổ lúc này rất cần trách nhiệm chia sẻ với người chăn nuôi vốn dĩ là gốc tạo ra ngành nghề của họ, nếu chung tay thì hoàn toàn có thể nâng giá mua lợn lên cho người chăn nuôi, ít nhất cũng về với giá thành trên mức 35.000 đồng/kg vì giá lợn trong nước hiện nay là hoàn toàn do người Việt Nam quyết định, chứ phụ thuộc vào ai đâu!

Về lâu dài, để hạn chế rủi ro, ngành chăn nuôi có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, trong đó trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Đây là câu chuyện cũng đã được bàn đến từ lâu, chứ không phải là thời điểm hiện nay. Tại Quyết định số 10 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 16/2/2008 định hướng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 có rất nhiều điểm phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên cần phải có tổng kết trong năm 2017 để điều chỉnh cho phù hợp hơn, nhất là định hướng quy hoạch các ngành hàng chủ lực như thịt lợn, thịt, trứng gia cầm và thịt trâu bò. Cụ thể: Điều chỉnh lại quy mô, cơ cấu sản phẩm của từng ngành hàng gắn với các phân khúc thị trường và giảm áp lực môi trường do chăn nuôi gây ra. Trong đó cần chú trọng đến thị trường xuất khẩu thịt lợn, trứng gia cầm, thức ăn chăn nuôi và hạn chế nhập khẩu thịt, sữa gia súc ăn cỏ.

Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó đứng đầu là các doanh nghiệp-hợp tác xã, tổ hợp tác-hộ chăn nuôi hoặc doanh nghiệp-hộ chăn nuôi lớn, hộ trang trại vừa bảo đảm truy xuất nguồn gốc chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát được cung cầu thị trường.

Các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu khảo sát thị trường và hoàn thiện hạ tầng pháp chế, hàng rào kỹ thuật thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm dịch và kiểm tra chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi là thế mạnh của Việt Nam sang các nước, trước hết là các nước xung quanh ta và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm mà trong nước đã đáp ứng được.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hương (thực hiện)
http://baochinhphu.vn/