Giá tôm tăng, người sản xuất phấn khởi

NDĐT- Theo ông Lý Văn Thuận, Thư ký Hội chế biến thủy sản Casep Cà Mau, từ đầu tháng 6 đến nay, giá tôm nguyên liệu đang trong chiều hướng tăng trở lại, người nuôi tôm trong tỉnh rất phấn khởi, sau thời gian khá dài từ đầu năm đến nay tôm rớt giá.
Giá tôm tăng, người sản xuất phấn khởi

Cụ thể, giá tôm nguyên liệu hiện tại được các doanh nghiệp mua: tôm sú nguyên liệu 20 con/kg là 260 nghìn đồng; 30 con/kg là 230 nghìn đồng, 40 con/kg là 200 nghìn đồng, so với giá thấp nhất tăng khoảng 10 đến 15 nghìn đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng 60-70-80-90-100 con/kg giá lần lượt là 114 nghìn đồng; 110 nghìn đồng; 107 nghìn đồng; 102 nghìn đồng và 100 nghìn đồng, so với giá thấp nhất tăng lần lượt khoảng từ 27 đến 12 nghìn đồng/kg.

Dù tôm liên tục rớt giá, nhưng giá lấy giá bình quân từ đầu năm so với cùng kỳ năm trước thì giá tôm sú nguyên liệu vẫn còn cao hơn từ 18% đến 35% tùy kích cỡ; tôm thẻ chân trắng bình quân cao hơn từ 2,4% đến 7,1%.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, sau khi chuyển mạnh sang nuôi tôm thẻ chân trắng từ năm 2013 do lợi thế giá cao, dễ nuôi và được mùa; nhưng sau đó rớt giá liên thục làm cho người nuôi tôm thua lỗ nặng. Do đó, hiện người sản xuất trong tỉnh đã khắc phục tình trạng treo ao đầm và quay trở lại nuôi tôm sú trên phần lớn diện tích nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến.

Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm công nghiệp trên 7.735 ha; trong đó riêng sáu tháng đầu năm 2014 tăng thêm gần 1.750 ha so với cuối năm 2013. Theo dự báo, thời gian tới giá tôm có thể sẽ còn tăng nhẹ, như vậy sẽ tạo lợi thế phục hồi nhanh nghề nuôi tôm sú truyền thống, có giá trị cao và xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau.

Ngành nông nghiệp Cà Mau khuyến cáo người sản xuất cần phát huy lợi thế nghề nuôi tôm sú truyền thống; coi trọng yếu tố mùa vụ, thời tiết, môi trường, dịch bệnh… Đồng thời tỉnh đã chủ động tổ chức liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, sản xuất, cung ứng con giống tốt nhất nhằm thiệt hại, rủi ro cho người sản xuất.

NGỌC QUÂN
theo nhandan