Giá tôm thẻ rớt thảm, người nuôi "ôm" lỗ nặng

Giá tôm thẻ rớt thảm, người nuôi "ôm" lỗ nặng
Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ 70.000 – 75.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng/kg so với năm 2017. Nhiều hộ nông dân nuôi tôm tại Bến Tre bị lỗ nặng khiến người dân lo lắng khi thả nuôi.

Hiện giá tôm từ 70.000 - 75.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), giảm hơn 35.000 đồng/kg so với trước đây. Chi phí cho 1kg tôm thương phẩm vào khoảng 80.000 - 85.000 đồng, do đó người chăn nuôi lỗ nặng, trong khi giá đầu vào như con giống, thức ăn vẫn tăng.

Theo anh Đỗ Khánh Dũng, xã Định Trung, huyện Bình Đại, bên cạnh việc giá tôm thương phẩm giảm, chi phí sản xuất tăng cao làm cho lợi nhuận người nuôi tôm thấp. Hiện anh Dũng chưa tiếp cận được nguồn điện lưới phải mua điện qua các trung gian với giá 3.500 - 3.700 đồng/kwh. Anh Dũng chia sẻ, nếu giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất giảm thì người dân sẽ có lãi nhiều hơn. 

Tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi tôm biển khoảng 35.000ha, cho sản lượng hơn 50.000 tấn/năm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân giảm giá là do các nước xuất khẩu tôm khác năm nay tăng khoảng 30% sản lượng (Ecuador, Thái Lan) trong khi nhu cầu thế giới tăng rất nhẹ. Cầu đã bão hòa mà cung tăng đột biến, thị trường dư thừa, hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cũng còn, nên khiến giá tôm trong nước giảm thấp.

1.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, giá tôm sụt giảm có nhiều nguyên nhân. Trong đó, lượng tồn kho ở các thị trường mua ở trước đây năm 2017 tương đối nhiều thì tiêu thụ vẫn không theo như dự kiến. Bên cạnh đó, năm nay các nước được mùa nên lượng cung ra thị trường rất lớn, trong khi đó yếu tố về mặc tăng trưởng chung về nhu cầu, vẫn dừng ở mức 5% giống như mọi năm. Yếu tố nữa là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ loại size cỡ nhỏ nhiều hơn cũng làm cho giá giảm. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm này cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống như: giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…). Và về lâu dài, bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi…). 

Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn thủy sản Việt - Úc, các doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam theo hướng hàng đầu, đi sâu theo hướng chất lượng, có những sản phẩm chất lượng thì giá trị con tôm sẽ tăng theo thời gian, theo hàng năm. 

Mặt khác, Việt Nam có những lợi thế rất lớn về vùng nuôi, tài nguyên thiên nhiên về nước đủ lớn, đủ tốt để phát triển nuôi tôm theo qui mô lớn. Bên cạnh đó, các công ty cần có định hướng, triển khai các giải pháp phù hợp, đặc biệt phải ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao giá trị cho ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Không bán cà phê ồ ạt khi giá xuống thấp

Ngày 22/6 tại TP. Hồ Chí Minh, câu lạc bộ xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (CLB G20) đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu 8 tháng niên vụ 2017 – 2018 (từ 1/10/2017 đến 31/5/2018) và định hướng kinh doanh, xuất khẩu trong những tháng còn lại của niên vụ.

Nhiều ý kiến tham gia đóng góp tại hội nghị và thống nhất với các kết luận sau: 8 tháng niên vụ 2017 – 2018, cả nước xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn cà phê với kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó cà phê Robusta 925.000 tấn, cà phê Arabica 88.000 tấn, cà phê hòa tan và rang xay 89.000 tấn. Trong đó, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam chiếm trên 60% sản lượng xuất khẩu cà phê của cả nước.

2.jpg
Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk. (Ảnh: Internet)

 

Hội nghị cũng nhận định giá cà phê hiện nay quá thấp so với cùng kỳ 2017, gần sát với giá thành sản xuất của người nông dân, đồng thời giá trừ lùi trên thị trường xuất khẩu không co lại mà tiếp tục giãn ra. Chính vì thế, hội nghị đã thống nhất định hướng về xuất khẩu cà phê những tháng còn lại của năm 2018 như sau: Đề nghị các doanh nghiệp và nông dân không bán ồ ạt khi giá thấp vì trong thời gian cuối vụ hàng tồn không còn nhiều. Các công ty xuất khẩu không nên ký hợp đồng giá trừ lùi trên 70 USD (loại Robusta 5% đen bể hàng bao) nhằm đảm bảo lợi ích chung cho ngành cà phê Việt Nam.

Sầu riêng chính vụ Bến Tre giá cao, khan hàng

Mặc dù đang ở thời điểm thu hoạch rộ chính vụ nhưng giá sầu riêng ở Bến Tre vẫn tăng cao và khan hiếm hàng, nông dân trồng sầu riêng rất phấn khởi vì thu được lãi cao.

Hiện nay, sầu riêng Ri6 được thương lái thu mua khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Theo nhà vườn, giá sầu riêng chính vụ tăng liên tục từ thời điểm bắt đầu thu hoạch đến nay (đầu tháng Tư âm lịch) và không loại trừ khả năng giá cao nhất trong vụ thuận năm nay sẽ đạt mức trung bình tương đương với giá của vụ nghịch trước đó. Nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách cho biết, giá vụ thuận thấp hơn vụ nghịch 10.000 đồng/kg, nhà vườn vẫn có lợi hơn rất nhiều. Bởi chi phí đầu tư vụ thuận chỉ khoảng 8 triệu đồng/công (1.000m2) so với hơn 20 triệu đồng/công, nếu xử lý cho trái nghịch vụ. Trong khi đó, năng suất cao hơn trung bình khoảng 500 kg/công, đặc biệt, cho trái vụ thuận cây sẽ không mất sức quá nhiều và người làm vườn cũng không phải thường xuyên phun xịt thuốc, bón phân.

3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, Bến Tre), cho biết, nguyên nhân tăng giá sầu riêng hiện nay là do người tiêu dùng trong nước chuộng sầu riêng của các tỉnh miền Tây. Mặt khác, lượng sầu riêng được nhà vườn cho trái vụ thuận ở miền Tây giảm khá nhiều so với các năm trước. 

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho hay, sầu riêng năm nay trúng mùa, chất lượng đạt yêu cầu, đồng thời giá bán ổn định, không bị rớt giá như những năm trước. 

Tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 3.500 ha sầu riêng, với năng suất trung bình từ 15-20 tấn/ha/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Lách. Các giống sầu riêng được trồng chủ yếu là Monthong, Ri 6 và 9 Hóa. Những năm gần đây, nhờ cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao mà nhiều hộ nông dân ở Bến Tre trở nên khá giả khi thâm canh cây trồng đặc sản này.

Mới giữa vụ, nông dân trồng vải đã đạt doanh thu hơn 3.600 tỷ đồng

Đang vào mùa thu hoạch rộ quả vải ở Bắc Giang, giá vải thiều loại ngon (vải phấn) tại trung tâm huyện Lục Ngạn lên tới 32.000-35.000 đồng/kg , vải muộn từ 25.000-28.000 đồng/kg, vải loại 2 có giá 12.000-17.000 đồng. UBND tỉnh Bắc Giang vừa có báo cáo cập nhật về tình hình tiêu thụ vải thiều trên địa bàn 6 huyện trồng vải với quy mô lớn, gồm Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Sơn Động và Yên Thế. 

Theo đó, tính đến ngày 20/6, tổng sản lượng vải tiêu thụ ước đạt 134.430 tấn, tổng doanh thu ước đạt 3.674,5 tỷ đồng. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sản lượng ước đạt 39.220 tấn, doanh thu ước đạt 68,9 triệu USD.

4.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, mặc dù đang là giữa vụ nhưng giá vải ngày 20/6 tại Lục Ngạn vẫn được giữ ở mức ổn định. Giá vải thiều loại 2 từ 12.000 - 17.000đ/kg; vải muộn từ 25.000 - 28.000đ/kg; vải lai Lục Ngạn (vải phấn) từ 32.000 - 35.000đ/kg.

Hiện tại thương nhân tập trung chủ yếu đến thu mua vải thiều trên địa bàn của huyện Lục Ngạn với khoảng trên 150 thương nhân Trung Quốc và khoảng trên 1.000 thương nhân Việt Nam.

Lễ hội tôn vinh trái bơ tại Hà Nội

Với mục tiêu đưa trái bơ đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, từ ngày 18 đến 23-7, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Chương trình “Đắk Nông - mùa bơ chín” năm 2018.Sáng 22/6, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo về chương trình “Đắk Nông mùa bơ chín” năm 2018.

Chương trình nhằm quảng bá sản phẩm “Bơ Đắk Nông” đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị trái bơ đối với người sản xuất và kinh doanh bơ, khẳng định vị thế bơ Đắk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng quả bơ Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp thu mua, chế biến và các kênh tiêu thụ sản phẩm bơ trong và ngoài nước…

5.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)



Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, diễn ra từ ngày 18 – 23/7, chương trình Đắk Nông mùa bơ chín bao gồm chuỗi các hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp.

Trong đó, điểm nhấn của chương trình là hội thi trái bơ ngon có sự tham gia của hàng chục hộ nông dân giới thiệu những sản phẩm bơ có chất lượng tốt nhất.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông tổ chức một lễ hội riêng tôn vinh trái bơ, đang là một loại nông sản đặc sản thế mạnh của vùng đất tây nam Tây Nguyên.

Đắk Nông - Mùa bơ chín 2018 được tỉnh Đắk Nông tổ chức kéo dài từ ngày 18 - 23/7, tại thị xã Gia Nghĩa với nhiều hoạt động: Lễ mừng Mùa bơ chín; Hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp; Hội thảo phát triển cây bơ bền vững, Hội thi trái bơ ngon…


Hội thi "Lúa sạch, gạo thơm, cơm ngon"

Ngày 19/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức Hội thi “Lúa sạch, gạo thơm, cơm ngon” với mong muốn tìm ra và nhân rộng những mô hình sản xuất lúa, gạo đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt Nam.


Đây là chương trình trong khuôn khổ Lễ hội lúa gạo và triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại tỉnh Long An năm 2018.

Đối tượng tham gia dự thi gồm các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam đáp ứng một trong các tiêu chí như: Có vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất đóng gói được cấp phép; có sản phẩm gạo an toàn đang lưu thông trên thị trường; được cấp chứng nhận sản phẩm gạo an toàn VietGAP, Global GAP, Organic; có quy trình sản xuất lúa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

6.JPG
Ban giám khảo dùng thử các sản phẩm tại Hội thi. (Ảnh: VGP)

 

Ban tổ chức sẽ chọn lựa tối đa 20 đơn vị thoả mãn các tiêu chí vào vòng chung kết và trình bày sản phẩm dự thi trước Hội đồng Ban giám khảo là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài việc chấm điểm cách trình bày về thông tin sản phẩm, hướng dẫn sử dụng cũng như sự khác biệt của sản phẩm, Ban giám khảo sẽ đánh giá cảm quan qua việc dùng thử sản phẩm để chọn ra những sản phẩm, những giải pháp ưu việt nhất.

Giá lợn hơi ổn định ở mức cao

Giá lợn hơi hôm nay không có nhiều thay đổi tại các địa phương trên cả nước, mức giá phổ biến 47.000 - 48.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Bắc hiện phổ biến vẫn là 48.000 - 50.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên, giá lợn hơi đang được thu mua trong khoảng 52.000 đồng/kg, trong khi khu vực lân cận quanh thành phố Hưng Yên cũng được trả mức khá tốt, 50.000 - 50.500 đồng/kg.

Các địa phương còn lại, giá lợn hơi duy trì ở mức cao khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi hy vọng giá sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến ở mức 48.000 đồng/kg. Nghệ An vẫn là địa phương ghi nhận mức giá cao nhất khu vực, đạt 50.000 đồng/kg; theo sau là Thanh Hóa, dao động quanh mức 49.000 đồng. Các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi 48.000 đồng/kg. Còn từ Bình Định trở vào tới Bình Thuận, giá lợn hơi phổ biến trong khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg.

7.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Tại miền Nam giá dao động 43.000 - 48.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại khu vực có chênh lệch khá lớn giữa các địa phương, nơi cao nhất 48.000 đồng trong khi thấp nhất 43.000 đồng/kg.

Tại các địa phương trọng điểm như Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Vĩnh Long ... giá lợn hơi đang ở quanh mức 47.000 - 48.000 đồng/kg. Còn giá lợn hơi tại Cần Thơ, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang ... đạt 46.000 - 47.000 đồng/kg. Bến Tre đạt 45.000 đồng, trong khi Sóc Trăng báo mức thấp nhất, 43.000 đồng/kg./.

 Thanh Tâm (tổng hợp)/kinhtenongthon.vn