Giá xăng tăng chóng mặt: Tiêu dùng chật vật, chi phí cao đè nặng doanh nghiệp
- Thứ ba - 09/10/2018 11:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Áp lực đè lên doanh nghiệp, người dân
Sau 3 lần điều chỉnh tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 đã leo lên mốc cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với giá bán lẻ 20.906 đồng/lít. Còn xăng RON95 đang ở mốc 22.347 đồng/lít; dầu diesel 18.611 đồng/lít.
Mỗi lần xăng dầu tăng giá đều kéo theo tiếng thở dài của khách hàng, doanh nghiệp. Không đơn thuần chỉ là việc phải trả thêm mấy trăm đồng cho một lít xăng, đằng sau đó là cả nỗi lo về giá cả, lạm phát…
Thêm vào đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu - dự kiến tăng kịch trần vào đầu năm sau, từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít cùng với áp lực giá xăng tăng do giá thế giới tăng sẽ tạo ra những tác động không hề nhỏ đến sản xuất, tiêu dùng.
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng áp lực giá xăng dầu tăng sẽ là gánh nặng đè lên lạm phát, GDP…
“Cầu trong nước đang yếu, mặc dù tăng trưởng cao nhưng còn phụ thuộc vào FDI rất nhiều. Khi giá xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí sản xuất kinh doanh tăng, giá cả leo thang thì người dân phải siết chặt chi tiêu, cầu sẽ tiếp tục giảm”, ông Sơn nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, khi lạm phát tăng thì ngân hàng nhà nước sẽ phải tính toán tăng lãi suất, lúc này áp lực tăng lãi suất tiếp tục “đè” thêm vào gánh nặng chi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng theo đó sẽ giảm đi.
Ông Sơn cho rằng, gánh nặng chi phí là một trong những nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn yếu. Đầu năm 2019 cùng với việc tăng giá xăng dầu do tăng thuế bảo vệ môi trường và khả năng giá điện tăng sẽ làm cho nền kinh tế càng thêm khó khăn, sức cạnh tranh doanh nghiệp lại càng thêm lao đao, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhận định.
“Áp lực lạm phát năm sau là rất lớn. Lạm phát có 2 loại: Một là do cầu kéo lên thì rất tốt, còn lạm phát do chi phí đẩy như trên thì làm suy kiệt cầu, giảm sức sản xuất của doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 45% giá cước vận tải taxi. Dù từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã tăng gần 10 lần, giảm chỉ 2-3 lần, nhưng cước taxi chưa điều chỉnh lần nào, trong khi thông thường giá nhiên liệu tăng 6-8%, các doanh nghiệp đã điều chỉnh cước.
Tiuy nhiên, theo vị này, với mức tăng rất cao vừa qua cùng với việc thuế môi trường với xăng dầu sẽ tăng thêm từ đầu năm 2019 thì việc taxi truyền thống phải tính toán để tăng cước là khó tránh.
Một đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu thì chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp và thủy hải sản. Cụ thể, chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm từ 25 -35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, từ 35-45% đối với xe chạy dầu; còn hàng không là 39,5%. Với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33 -59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành. Do đó, tác động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không tránh khỏi.
Kiến nghị lùi áp thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít với xăng dầu
Với tình hình giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, các chuyên gia dự báo giá xăng dầu trong nước có khả năng tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng thuế môi trường lên kịch khung đầu năm sau sẽ đẩy giá xăng dầu cao hơn nữa.
Việc tiến sát mức đỉnh trên 25.000 đồng/lít ở thời điểm 2014 - mức được coi là cơn khủng hoảng về giá xăng dầu là lo ngại của nhiều người.
Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đưa ra đề nghị lùi thời điểm tăng thuế môi trường. Ông Hải cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ đầu năm 2019 sẽ tác động đến tình hình lạm phát.
Cụ thể, thời điểm điều chỉnh này rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2019. Do đó, ông Hải kiến nghị cần thực hiện tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào thời điểm khác thích hợp.
Đồng tình với việc nên lùi thời gian áp dụng thuế bảo vệ môi trường để giảm bớt sức nặng lên giá xăng dầu, tuy nhiên chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, kiến nghị này khó có thể được chấp nhận. Bởi bài toán thu chi ngân sách hiện nay đang rất khó giải quyết.
“Đừng chỉ nghĩ tới việc tăng thu, muốn cân đối ngân sách thì không còn cách nào tốt hơn là cần phải tính toán giảm bộ máy cồng kềnh, giảm chi tiêu, siết chặt kỷ luật về ngân sách”, ông Sơn kiến nghị.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang cạnh tranh với các doanh nghiệp khu vực và thế giới ngay trên sân nhà. Do vậy, trước khi nâng các chi phí có tác động tới việc sản xuất kinh doanh thì hãy đưa ra so sánh, phân tích cụ thể.