Giải bài toán xuất khẩu thực phẩm

Người tiêu dùng thế giới vẫn chưa biết nhiều đến các thương hiệu thực phẩm Việt dù Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông lâm thủy sản. Để "giải bài toán" này, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cộng với công nghệ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm được xem như yếu tố căn cơ để thực phẩm Việt đi ra thế giới.

Đơn cử như ngành hàng lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết việc xây dựng thương hiệu gạo Việt là vấn đề rất quan trọng. Nếu muốn xây dựng thương hiệu gạo mạnh thì phải xây dựng từ đồng ruộng, rõ ràng là phải làm chất lượng theo chuỗi.

Chất lượng theo chuỗi

Tức là từ khi sản xuất, từ gieo cấy cho đến khi thu hoạch. Nói một cách ngắn gọn, theo ông Bình, xây thương hiệu gạo mạnh thì đã bao hàm cả một chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp (DN) và nông dân. Đặc biệt, bây giờ sản xuất gạo sạch và gạo hữu cơ, kể cả từ Trung ương cho đến địa phương, từ DN cho đến nông dân đều tập trung vào.

"Chính vì thế, hiện nay đang có những tín hiệu tích cực. Kể cả người tiêu dùng trong nước cũng xác định được là rất cần những loại chất lượng đó chứ không riêng gì xuất khẩu (XK). Cho nên, đây là việc mà ngành hàng lúa gạo đang làm tích cực và đang đạt được những hiệu quả khả quan", ông Bình chia sẻ.

Chất lượng, tiêu chuẩn, thương hiệu lúa gạo XK cũng chính là vấn đề trăn trở chung cho các DN ngành thực phẩm XK hiện nay. Duy có điều, như lưu ý của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tại hội thảo về mở rộng thị trường cho các DN XK trong ngành thực phẩm do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào cuối tuần qua ở Hà Nội, đó là giữa sản xuất, cung ứng với khâu tiêu thụ ở thị trường XK vẫn còn một khoảng trống nhất định.

Ông Tạc cho biết trong 4 tháng đầu năm 2018, hàng nông sản, thực phẩm XK của Việt Nam tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so giá trị tuyệt đối, con số kim ngạch 36,37 tỷ USD mà nông sản, thực phẩm Việt XK được trong năm 2017 chưa bằng 1/100 nhu cầu tiêu thụ trên toàn thế giới (khoảng 4.000 tỷ USD).

Gần đây, qua theo dõi tình hình XK thực phẩm, nông sản, theo ông Tạc, đôi khi lại có những thông tin về những lô hàng thực phẩm bị trả về vì dư lượng kháng sinh, có tạp chất…

Điều này đòi hỏi phải có một công cụ quản lý hiệu quả về mặt tiêu chuẩn các sản phẩm nông sản thực phẩm ở thị trường XK, nếu không sẽ gây thiệt hại và mất uy tín cho ngành thực phẩm Việt.

Về cơ hội thị trường XK cho các DN ngành thực phẩm hiện nay, chuyên gia chiến lược và thương hiệu Trần Anh Tuấn cho rằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm ngày càng cao từ các thị trường XK sẽ buộc các DN Việt có chiến lược đầu tư thích hợp vào công nghệ sản xuất, chế biến. Việc này mất nhiều thời gian, tài chính nhưng sẽ đem lại cho thực phẩm Việt "tấm giấy thông hành" và sự tin cậy để đi ra thế giới.

doanh-nghiep-thuc-pham-5943-1526211553.j

Các DNXK thực phẩm cần xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy

Phải hiểu và hành động

Theo ông Tuấn, một "bài toán" thường được nói tới để các DN Việt có được chất lượng sản phẩm thực phẩm tốt là quản trị như thế nào, làm thế nào để xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy với thực phẩm an toàn và ứng dụng các thành tựu mới, đặc biệt là trước xu hướng truy xuất nguồn gốc đang "lên ngôi" ở thị trường Việt Nam.

Có thể đơn cử như trường hợp về thương hiệu nước mắm Thịnh Phát trước đây, từ Việt Nam đã chuyển sang tiểu bang California (Mỹ) hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau 5 năm phấn đấu, thương hiệu nước mắm này đã tạo ra được chuỗi sản xuất hiệu quả, nguyên liệu nước mắm từ Phú Quốc xuất qua đóng gói tại Mỹ.

Đây là sự khác biệt giúp gia tăng giá trị sản phẩm của thương hiệu này trong điều kiện nước mắm Việt tại thị trường Mỹ vốn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ở Thái Lan.

Ông Tuấn nhận định với cách làm khá kiên trì và thông minh này, hy vọng thương hiệu nước mắm Thịnh Phát sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ tại Mỹ.

Có đi khảo sát tại một số siêu thị ẩm thực ở Mỹ sẽ thấy ở đâu đó những sản phẩm mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, vẫn có những sản phẩm của người Mỹ sống tại Việt Nam và có các sản phẩm mà DN Việt chỉ gia công chứ không thể mang thương hiệu của mình.

"Đây là bức tranh lẫn lộn giữa cái hoàn hảo và cái chưa hoàn hảo của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Và nếu nhìn qua các tiêu chuẩn chất lượng thế giới thì sẽ thấy những xu hướng về tiêu chuẩn hữu cơ như của Mỹ, EU, Australia, Nhật… là điều mà các DN thực phẩm Việt cần lưu ý", ông Tuấn nói.

Phải thấy rằng khi các DN thực phẩm Việt ngày càng hướng ra thị trường thế giới thì cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng đòi hỏi cao. Điều đó đòi hỏi các DN cần cập nhật những tiêu chuẩn chất lượng mới, phải hiểu và hành động trước yêu cầu của thị trường XK.

Vừa qua, các DN Việt đã chứng kiến những rào cản XK thực phẩm từ Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng như bài học về XK cá tra gặp khó khăn ở EU.

Trước vấn đề về việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đứng ở góc độ DN XK gạo sạch, ông Phạm Thái Bình cho rằng: "Đây là vấn đề cần thiết cho ngành hàng lúa gạo nói riêng và tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm Việt nói chung. Thực tế là hiện nay có nhiều DN đã và đang đi học các lớp về tiêu chuẩn sạch như GlobalGap hoặc tiến tới đạt những chứng chỉ như sản xuất hữu cơ".

Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn