Gian nan ngành tôm 2016

(Thủy sản Việt Nam) - Hy vọng về một năm bứt phá dường như không thành, năm 2016 - ngành tôm thế giới vẫn lúc thăng, lúc trầm. Điểm sáng vẫn là châu Á - với khả năng phục hồi của ngành tôm tuy chậm nhưng chắc cùng lượng tiêu thụ tăng đáng kể.
Nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Á tăng mạnh

Châu Á dẫn đầu

Sản lượng dự báo của ngành tôm châu Á trong năm 2016 không khả quan do dịch bệnh tiếp diễn tại Trung Quốc và hạn hán tại một số vùng Đông Nam Á. Nguồn cung, do đó cũng thấp hơn so mức kỳ vọng. Tôm Thái Lan được kỳ vọng mức sản lượng 270.000 - 300.000 tấn trong năm nay nhưng “cơn khát” nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc sẽ cuốn hết toàn bộ nguồn tôm của Thái Lan và chỉ để lại một lượng rất nhỏ xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ truyền thống tại những nước phát triển.

Theo Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), tỷ lệ tăng trưởng trung bình của ngành tôm Đông Nam Á giai đoạn 2008 - 2011 là 6%. Tuy nhiên, sản lượng tôm của vùng này đã giảm từ 3,45 triệu tấn xuống 3,25 triệu tấn trong năm 2012 (5,8%) và 3,21 triệu tấn năm 2013 (1,1%) do dịch bệnh EMS. Tới năm 2014, sản lượng tôm mới tăng lên 3,49 triệu tấn (8,5%) do tôm Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ được mùa. Mặc dù, ngành tôm Thái Lan được kỳ vọng mức tăng trưởng hàng năm khoảng 14,5% giai đoạn 2015 - 2018 với sản lượng đạt 370.000 tấn vào năm 2018 thì sự phục hồi này cũng chỉ bằng 60% sản lượng của năm 2012 (thời hoàng kim của tôm Thái Lan). Từ năm 2014, ngành tôm Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam đã vượt Thái Lan với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 4 - 7%.

2013 dường như là một năm tồi tệ với ngành tôm Trung Quốc khi sản lượng chỉ 1,27 triệu tấn và tăng nhẹ lên 1,48 triệu tấn khi vùng nuôi ở phía Bắc được mở rộng. Tuy nhiên, tới 2016, Trung Quốc vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn tới thị trường và giá tôm toàn cần nếu sản xuất tôm tại thị trường nội địa không được cải thiện. Ngoài ra, thị trường tôm thế giới và cả Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam. Có thể nhìn thấy toàn cảnh thị trường tôm châu Á là sự sụt giảm sản lượng so kỳ vọng đối lập với nhu cầu tiêu thụ tăng. Bởi vậy, thị trường tôm toàn cầu sẽ phải chứng kiến cảnh tôm tăng giá trong nửa cuối năm 2016 cũng là điều dễ hiểu.

Kỳ vọng vào Mỹ Latinh

Tại Mỹ Latinh, Ecuador là nước có ngành tôm tăng trưởng mạnh nhất và dự kiến đạt sản lượng 385.000 tấn vào năm 2018. Nước này cũng đang nhắm châu Á là thị trường tiêu thụ trọng điểm. Ngành tôm Brazil và Venezuela sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018; lần lượt đạt sản lượng 81.000 tấn và 30.000 tấn. Sản lượng tôm của Mỹ Latinh được kỳ vọng tăng từ 646.000 tấn năm 2015 lên 711.000 tấn vào năm 2018 nhưng chỉ có 4 nước đóng góp vào sự tăng trưởng này gồm Ecuador, Mexico, Brazil và Venezuela. Sản lượng tôm của các nước Mỹ Latinh còn lại sẽ giảm từ 109.000 tấn xuống 105.000 tấn giai đoạn 2015 - 2018 do nhiều nguyên nhân như dịch bệnh hoặc nông dân cắt giảm diện tích nuôi tôm.

Ngành tôm Mỹ Latinh cũng đang hướng đến tôm thẻ biển. Các loại tôm nguyên con trở thành sản phẩm chính và phổ biến hơn tôm không đầu; chiếm tỷ lệ 56% trong năm 2015, tăng từ 40% trong năm 2007. Sức hấp dẫn của tôm thẻ chân trắng Ecuador với thị trường châu Âu và Trung Quốc là căn nguyên tạo nên xu hướng sản xuất mặt hàng này tại Mỹ Latinh.

Thách thức?

2016 không được coi là một năm khởi sắc với ngành tôm Mỹ khi nhu cầu  mua buôn từ các hãng suy yếu. Trữ lượng tôm trên thị trường toàn cầu còn tồn đọng khá nhiều, gây ra sự sụt giảm của nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ. Trong một chiến dịch bình ổn thị trường bán buôn, tất cả các loại tôm không kể xuất xứ, kích cỡ đều được hạ giá trong tháng 3 để thu hút người tiêu dùng Mỹ. Do đó, lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này sẽ tiếp diễn xu hướng yếu ớt đến cuối năm. Đặc biệt mới đây, Tổng thống Mỹ mới đắc cử - ông Donald Trump đã quyết định không tham gia TPP và một số hiệp định thương mại tự do khác. Ngành khai thác tôm vùng vịnh sẽ được bảo vệ bằng hàng rào kiên cố và tôm nuôi châu Á mất cơ hội tràn vào thị trường Mỹ. Như vậy, để tồn tại ở những thị trường này, cách duy nhất là buộc phải nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, quay lại thị trường nội địa cũng được coi là cứu cánh cho ngành tôm thoát khỏi tình trạng sụt giảm giá trị trong thời gian trước mắt. Trong hoàn cảnh thị trường tôm quốc tế ảm đạm thì đây lại được coi là một giải pháp hữu hiệu vì nhu cầu tiêu thụ nội địa với mặt hàng tôm cũng tăng nhanh tại nhiều nước sản xuất chính. Tại Mexico, nguồn cung tôm nuôi đã tăng trong năm nay chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Sản xuất tôm sú tại Bangladesh cũng hướng tới đối tượng khách hàng ở thị trường trong nước khi mà xuất khẩu bị ảnh hưởng do tiền tệ bị mất giá.

Tuy nhiên, ngành tôm của Mỹ Latinh hay châu Á có tăng trưởng tốt hay không còn phụ thuộc vào sự ổn định của kinh tế toàn cầu; và hiểm họa lớn nhất với ngành tôm vẫn là dịch bệnh, nguồn cung tôm giống chất lượng và chi phí thức ăn. 


>> Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) khẳng định: Ngành tôm châu Á đang phục hồi chậm nhưng chắc và thuận lợi với sản lượng ước 3,65 triệu tấn vào năm 2018, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của ngành tôm Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Trung Quốc vẫn là nước sản xuất tôm lớn nhất châu Á nhưng sự đóng góp của nước này vào tăng trưởng chung của toàn châu Á lại khiêm tốn nhất. Tuy nhiên, những dự báo của GOAL chỉ chính xác khi ngành tôm châu Á không xuất hiện dịch bệnh mới.
Hà My (Tổng hợp)
http://thuysanvietnam.com.vn/