Giãn nợ hàng nghìn tỷ cho hộ nghèo vùng lũ

Gần 30 nghìn hộ nghèo đã vay vốn mua nền nhà sẽ được giãn nợ 3 năm, hơn 8.400 hộ khác sẽ được vay vốn mới từ chương trình xây dựng tuyến dân cư vượt lũ

Đến thời điểm hiện nay, thời hạn trả nợ tiền mua nền trả chậm cũng như vốn vay để xây dựng nhà ở của các hộ nghèo và cận nghèo theo Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2 đã hết. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc thu hồi vốn tại một số địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… vẫn còn gặp nhiều khó khăn do khả năng trả nợ của các hộ dân trong khu dân cư mới còn hạn chế.

Nút thắt từ sinh kế

Theo ghi nhận tại khu vực ĐBSCL, kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình, đã có khoảng 800 cụm, tuyến dân cư vượt lũ được xây dựng với hơn 146.000 nền nhà. Chính phủ và các địa phương đã hỗ trợ người dân trên 5.700 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách, nguồn vốn vay từ NH Phát triển Việt Nam và NH Chính sách Xã hội để mua nền và xây dựng nhà ở.

Sau 10 năm đã có khoảng hơn 200 nghìn hộ dân được vay vốn ưu đãi mua nền và xây nhà trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ

Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, việc thu hồi các khoản nợ vay của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương đều chưa thu hồi hết các khoản nợ phát sinh từ giai đoạn 1 với tổng số tiền nợ đọng lên tới trên 220 tỷ đồng.

Bước sang giai đoạn 2 của chương trình (từ 2008-2014), đến thời điểm cuối năm 2014, các địa phương đã hoàn thành 178 dự án; xây dựng xong trên 27.100 căn nhà, đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân trong vùng. Tổng số vốn ngân sách và vốn vay từ các NH cho giai đoạn 2 ước khoảng trên 2.850 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như giai đoạn 1, việc thu hồi nợ từ người dân tiếp tục gặp khó khăn.

Đến đầu năm 2016 thời hạn trả nợ đã hết nhưng các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang vẫn phát sinh nợ quá hạn, trung bình mỗi tỉnh hàng trăm tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân của việc chậm thu hồi nợ đối với chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ, một số lãnh đạo địa phương khu vực ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là do người dân vay vốn sau khi vào cụm, tuyến dân cư mới thường không có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó thu nhập gia đình không tăng so với trước đây.

Một số hộ dân do không tìm được sinh kế đã tìm cách sang nhượng trái phép nền, nhà ở của mình sau khi được hỗ trợ đầu tư. Một số hộ khác dù đã vào ở trong cụm, tuyến dân cư nhưng thường xuyên phải bỏ đi nơi khác làm ăn khiến công tác thu nợ không thực hiện được, phát sinh thêm nhiều khoản nợ quá hạn.

Tiếp tục giãn nợ giai đoạn 2

Trước thực trạng khó thu hồi nợ từ các dự án thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ như trên, mới đây Bộ Xây dựng đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ giãn nợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo mua nền trả chậm thuộc giai đoạn 2 thêm 3 năm giống như đã thực hiện với các khoản nợ quá hạn của giai đoạn 1.

Theo Bộ Xây dựng, việc giãn nợ kể trên nếu được Thủ tướng chấp thuận thì sẽ giúp cho khoảng 30.000 hộ dân thuộc các địa phương khu vực ĐBSCL được kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm mà không phải chịu mức phạt lãi suất bằng 150% lãi suất tín dụng đầu tư nhà nước. Từ đó khả năng thu hồi nợ của chương trình sẽ có cơ hội đẩy mạnh hơn khi người dân ở các cụm, tuyến dân cư có nguồn thu nhập ổn định.

Về lâu dài, Bộ Xây dựng cho rằng để thực hiện tốt hơn chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cần ban hành những chính sách lồng ghép.

Chẳng hạn như: ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết lao động, tạo việc làm cho người dân trong các cụm, tuyến dân cư.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để xây dựng hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, chợ... phục vụ nhu cầu thiết yếu của các hộ dân trong cụm, tuyến dân cư và khu vực lân cận.

Bổ sung 130 dự án nhà ở vùng ngập lũ

Để kéo dài thời gian thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm 130 dự án gồm 86 cụm, tuyến và 44 bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo các hộ dân có chỗ ở an toàn trong mùa mưa lũ.

Đồng thời thu hồi vốn ngân sách trung ương ở các địa phương cấp thừa để cấp cho các địa phương còn thiếu như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có khoảng 8.400 hộ dân thuộc đối tượng của chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 168,2 tỷ đồng sẽ được vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ.