Giữ uy tín cho sản phẩm chè Việt Nam

Vừa qua, cơ quan thẩm quyền Ðài Loan (Trung Quốc) đã cảnh báo 22 lô hàng chè đen của Việt Nam xuất khẩu vào Ðài Loan vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép và bắt buộc trả về. Cụ thể, phía Ðài Loan cho rằng, chè Việt Nam có dư lượng hoạt chất fipronil vượt quá ngưỡng 0,002 ppm cho nên không bảo đảm về chất lượng theo tiêu chuẩn. Ðây không phải là lần đầu chè Việt Nam gặp phải tình trạng này. Năm 2012, đã có nhiều lô hàng chè xuất khẩu sang châu Âu phạm lỗi tương tự. Ðiều đáng nói, trong nhiều năm qua, phía Ðài Loan và một số quốc gia thuộc liên minh châu Âu - EU đã nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phát sinh dư lượng fipronil trên cây chè, song cho đến nay, các loại thuốc này vẫn nằm trong danh mục được phép sử dụng của Việt Nam. Trong khi đó, Ðài Loan là một trong ba thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam (cùng với Pa-ki-xtan và Nga). Ước tính, mỗi năm Ðài Loan nhập khẩu từ Việt Nam hơn 20 nghìn tấn chè, lượng chè Việt Nam xuất khẩu sang Ðài Loan chiếm 70% tổng sản lượng nhập khẩu của Ðài Loan. Do đó, việc Ðài Loan từ chối nhập chè của nước ta không chỉ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu chung của mặt hàng này mà còn tác động trực tiếp đến thu nhập và đời sống của nhiều hộ dân trồng chè. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu thành lập tổ điều tra đặc biệt để điều tra nguồn gốc xuất xứ của lô hàng chè xuất khẩu bị trả về. Ðồng thời, các cơ quan chức năng cũng sẽ làm việc lại với phía Ðài Loan về tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV đối với hoạt chất này (có phù hợp thông lệ quốc tế hay không). Khi đó, nguồn gốc cụ thể sẽ được truy xét, nhưng qua sự việc này, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp bách về chất lượng chè Việt Nam cũng như việc cập nhật các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm từ các nước nhập khẩu.

Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội chè Việt Nam, cả nước có khoảng 450 cơ sở, nhà máy chế biến chè (có đăng ký). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% trong số các nhà máy này có vùng nguyên liệu riêng. Còn lại, phần lớn nguyên liệu của các nhà máy phụ thuộc vào thương lái thu gom từ nhiều nguồn khác nhau cho nên khó có thể xác định, truy xuất được nguồn gốc và dư lượng thuốc BVTV có trong nguyên liệu chè. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là các địa phương cần nhanh chóng rà soát, tổ chức lại việc sản xuất và xuất khẩu chè, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến cáo người dân hạn chế lạm dụng thuốc BVTV, tiến tới sản xuất chè theo hướng VietGAP để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhà nhập khẩu.

MINH HUỆ
theo nhandan