Hạt điều lại tăng giá
- Chủ nhật - 15/03/2015 07:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước đây điều là một trong những loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh BR-VT, nhưng 5 năm trở lại đây do cây bị già cỗi, năng suất thấp, giá giảm mạnh nên nông dân đã ồ ạt chặt bỏ. Diện tích trồng điều tại BR-VT giảm hẳn so với trước đây. Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu hạt điều đang tăng mạnh khiến cho lượng thu mua hạt điều thô từ các DN chế biến tăng. Ông Hoàng Văn Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành) cho biết, xã Hắc Dịch có khoảng 1.200ha đất trồng điều. Với giá điều như hiện nay thì người trồng điều đang có lãi so với một số cây trồng mà bà con đua nhau tăng diện tích trong thời gian qua. Theo ông Đinh Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), để phát triển bền vững, nhà vườn cần duy trì canh tác 3 loại cây trồng dài ngày chính là tiêu, cà phê và điều. Những loại cây này cho nông dân thu hoạch xoay tua quanh năm. Muốn cây điều cho trái sai, chất lượng tốt, người trồng điều chỉ cần quan tâm đến giống, phòng trừ bọ xít muỗi, sâu đục thân thì năng suất sẽ tăng lên khoảng 25-30%. Trong khi đó, nếu phá bỏ vườn điều để canh tác khoai mỳ thì gặp phải nỗi lo đầu ra không ổn định; còn chuyên trồng cà phê, quýt, thanh long và tiêu thì cần nhất nguồn nước tưới, vốn đầu tư và chi phí hàng năm lớn…
Nhận định chung của các nhà vườn canh tác cây công nghiệp, với năng suất 3 tấn/ha/vụ và mức giá như hiện nay thì cây điều đang cho hiệu quả cao hơn cà phê, mít do không phải tưới nước, tỉa cành, thuốc bảo vệ thực vật. Vụ điều năm 2014 do thời tiết bất lợi, thỉnh thoảng có sương muối, lạnh nhiều, cây điều lại bị bọ xít muỗi và bọ trĩ tàn phá nên năng suất giảm, trong khi đó giá thấp, nhiều hộ nông dân đã vội phá điều để trồng khoai mỳ. Hiện tại, diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh còn hơn 10.400ha. Định hướng phát triển cây điều đến năm 2020 của Sở NN-PTNT, cây điều sẽ giảm xuống còn 7.000ha với giống cây chất lượng và năng suất cao. Hiện tại, ngành nông nghiệp đang khuyến khích DN đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40%, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm tránh rủi ro khi thị trường xuất khẩu có những biến động xấu.
Theo Sở NN-PTNT, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của BR-VT rất phù hợp để trồng cây điều. Mặt khác, thời gian qua, Sở NN-PTNT rất quan tâm đến việc cải tạo những vườn điều cũ, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho bà con. Trước thực trạng bà con nông dân ồ ạt chặt điều để canh tác khoai mỳ, tiêu… ở những vùng thiếu nước tưới, Sở NN-PTNT cũng đã triển khai mô hình thâm canh cây điều có năng suất tăng 40% và đạt 3,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng từ 50-70 triệu đồng/ha so với giống điều cũ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn về quản lý dịch hại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bảo vệ thực vật trên cây điều…
Tuy nhiên, trước việc giá hạt điều thô tăng, người trồng điều đang có lãi, các nhà khoa học và quản lý đã khuyến cáo bà con nông dân “đừng thấy người ta ăn khoai rồi vác mai đi đào” mà ồ ạt phá bỏ cây cao su, hay những cây trồng khác để trồng điều. Việc chuyển đổi cây trồng phải đặt trên nền thị trường và quy hoạch của Sở NN-PTNT để được hỗ trợ và chia sẻ về kỹ năng trồng, đầu ra sản phẩm cũng như phòng chống dịch bệnh. Nếu phát triển tự phát thì điệp khúc “trồng – chặt” lại tiếp tục xảy ra.