Hải Dương: Hành, tỏi xuất ngoại
- Thứ hai - 21/09/2015 21:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hành, tỏi được xuất khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho nông dân Nam Sách, Kinh Môn
Nhiều năm qua, hành, tỏi đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân các huyện Kinh Môn, Nam Sách trong vụ đông. Nhưng cây trồng này đã không ít phen lận đận, lao đao vì sự cạnh tranh của hành, tỏi Trung Quốc ngay cả ở thị trường trong nước. Đưa hành, tỏi xuất ngoại là hướng đi mới đem lại nhiều hy vọng cho nông dân nơi đây.
Cơ hội mới
“Hành, tỏi tiêu thụ trong nước thời điểm cao nhất cũng chỉ bán được với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg nhưng bán cho Mỹ thì gấp 10 lần số đó. Nếu xuất khẩu thành công, nông dân quê tôi sẽ đổi đời”.
Về Nam Sách những ngày này, câu chuyện hành, tỏi sắp được xuất khẩu đi Mỹ đang được người dân bàn luận sôi nổi. Thay vì chỉ biết thở dài buồn bã do lỗ vốn vì vụ hành vừa qua giá bán quá thấp thì thông tin này đã và đang mang đến hy vọng giúp nông dân nơi đây tiếp tục gắn bó với cây hành và phấn đấu làm giàu từ cây trồng này.
Một trong những người mang niềm vui trở lại với người trồng hành, tỏi Nam Sách chính là chị Nguyễn Thị Mùi, chủ cơ sở thu mua, chế biến nông sản Thư Mùi ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách). Chị Mùi cho biết:"Vài tháng nữa, vào đợt cao điểm sơ chế hành, tỏi xuất khẩu đi Mỹ, không khí sẽ sôi động hơn. Trước đây, hành, tỏi mang về đây sơ chế chỉ để bán trong nước, nhưng tháng trước tôi đã ký được hợp đồng xuất đi Mỹ khoảng 3container, tương đương với 70 tấn. Hành, tỏi tiêu thụ trong nước thời điểm cao nhất cũng chỉ bán được với giá từ30.000 - 35.000 đồng/kg nhưng bán cho Mỹ thì gấp 10 lần số đó. Nếu xuất khẩu thành công, nông dân quê tôi sẽ đổi đời". Ngoài xuất khẩu sang Mỹ, chị Mùi còn dự định xuất khẩu hành, tỏi sấy khô sang Hàn Quốc và Nhật Bản.
Không phải đến bây giờ nông dân tỉnh Hải Dương mới tìm đường cho hành, tỏi xuất ngoại. Từ những năm 80của thế kỷ trước, tư thương khắp nơi đã đổ về Kinh Môn thu mua hành, tỏi để chế biến xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước Đông Âu tan rã, hành, tỏi cũng mất luôn thị trường này. Từ đó đến nay, hành, tỏi chủ yếu được tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Anh Mặc Duy Lam, chủ cơ sở thu mua, sơ chế hành, tỏi ở xã An Phụ (Kinh Môn) cho biết: "Gần đây, do biến động của thị trường và đặc biệt là đồng nhân dân tệ bị phá giá, việc xuất khẩu hành, tỏi sang Trung Quốc khó khăn. Sản lượng hành, tỏi tiêu thụ trong nước cũng giảm sút. Tôi đang tìm cơ hội để xuất khẩu hành, tỏi sang các nước khác như Indonesia, Hàn Quốc... vì thị trường này ít rủi ro hơn".
Nhanh chóng nắm bắt thị trường xuất khẩu
Đưa hành, tỏi xuất ngoại là hướng đi phù hợp giúp nâng giá trị cây trồng này. Thế nhưng để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân tỉnh phải gỡ được nút thắt về chất lượng và nguồn cung ổn định cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách cho rằng: "Thời gian qua, đầu ra cho cây hành luôn được UBND huyện Nam Sách quan tâm. Trước đây, huyện cũng đã bàn các giải pháp để đưa nông sản này vào siêu thị hoặc xuất khẩu, nhưng yêu cầu bắt buộc là hành, tỏi phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ít nhất phải đạt chuẩn VietGAP".
Hiện nay, diện tích hành được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở Nam Sách không nhiều, mới chỉ vài chục ha nên ít cơ hội xuất khẩu. Thời gian tới, huyện Nam Sách dự kiến sẽ phối hợp với một số địa phương kinh nghiệm trồng hành lâu năm để xây dựng vùng trồng hành, tỏi VietGAP quy mô lớn, sau đó sẽ nhân rộng trong huyện. Đây sẽ là cách làm hiệu quả và bền vững nhất để hành, tỏi Nam Sách xuất ngoại thành công.
Cùng quan điểm này, ông Dương Văn Tấn, Chủ nhiệm hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Hòa (Kinh Môn) cho rằng: "Nếu doanh nghiệp sẵn sàng ký cam kết thu mua hành VietGAP với giá cao và ổn định thì nông dân Hiệp Hòa sẽ trồng hành, tỏi theo tiêu chuẩn này".
Về phía doanh nghiệp, ông Kazuiuky Oguchi, đại diện doanh nghiệp Inabata (Nhật Bản) đang tìm hiểu để thu mua hành, tỏi của tỉnh Hải Dương xuất khẩu sang Nhật vẫn còn những lo lắng. Ông Oguchi cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm đến sản phẩm hành, tỏi của Hải Dương bởi hành, tỏi ở đây có chất lượng tốt hơn những nơi khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang băn khoăn về khối lượng và độ an toàn của nông sản. Chúng tôi được biết hành, tỏi của Hải Dương chỉ trồng được ở vụ đông, còn các vụ khác không có. Vậy ngoài thời điểm thu hoạch rộ, liệu Hải Dương có cung cấp được lượng hàng cần thiết cho doanh nghiệp hay không?”.
Xuất khẩu hành, tỏi sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội cho người trồng hành, tỏi của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: "Thời gian tới, một số thị trường tiêu thụ nông sản lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU có xu hướng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là cơ hội lớn, vì vậy chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt để đưa hành, tỏi của tỉnh vươn xa".
Người trồng hành cũng cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thu mua, trên cơ sở ký những cam kết, hợp đồng để bảo vệ quyền lợi giữa hai bên. Cùng với nâng cao chất lượng, cần quan tâm xây dựng thương hiệu cho hành, tỏi, xúc tiến, quảng bá giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước; phát triển công nghệ bảo quản hành, tỏi sau thu hoạch để vừa có lượng hàng cung cấp đều đặn cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm hành, tỏi đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nắm bắt cơ hội xuất khẩu nhưng cũng không được bỏ quên thị trường trong nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hành, tỏi có diện tích trồng lớn trong vụ đông với gần6.000 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Kinh Môn, Nam Sách. Sản lượng hành, tỏi mỗi vụ xấp xỉ70.000 tấn. Tỉnh Hải Dương được coi là vựa hành lớn nhất miền Bắc và được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng hành, tỏi.
Lan Mơ (Báo Hải Dương)