Hạn chế quyền xuất khẩu gạo Bóng trong chân bộ Công thương
- Chủ nhật - 17/03/2013 22:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ Cần Thơ, giám đốc công ty cổ phần M.N., ông N.V.N. phản ánh rằng mình không thể đưa ra được lời giải thích thoả đáng về nguyên nhân vì sao công ty chưa được cấp phép xuất khẩu gạo để các cổ đông góp vốn cảm thấy an tâm. Là một doanh nghiệp thành lập trên cơ sở góp vốn của nhiều thành viên, tuy mới tham gia xuất khẩu từ năm 2009, nhưng sản lượng gạo xuất khẩu của M.N. tăng liên tục hàng năm; đến năm 2012, từ con số vài ngàn tấn ban đầu, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 20.000 tấn. Sau khi có nghị định 109 ra đời, M.N. tiếp tục tăng vốn đầu tư lên gấp đôi, đạt trên 130 tỉ đồng để mở rộng thêm nhà máy xay xát, lau bóng, nhà máy sấy, hệ thống kho tàng cho phù hợp với tiêu chuẩn để được cấp giấy phép xuất khẩu hai năm (từ 2011 đến tháng 9.2012). Cũng như các doanh nghiệp khác, đến cuối tháng 12 năm ngoái, công ty làm hồ sơ xin cấp giấy phép mới với hy vọng là sẽ nhận được ngay trong tháng 1.2013 để thực hiện xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký trước. Thế nhưng đã gần hết quý 1, công ty vẫn chưa nhận được giấy phép. Do không có giấy phép xuất khẩu, nên công ty M.N. buộc lòng phải tìm qua kênh phân phối khác để mua quyền xuất uỷ thác.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho hay đã đầu tư vốn đổi mới công nghệ, nâng quy mô nhà máy nhưng Nhà nước lại cắt mất quyền xuất khẩu. “Thử hỏi còn ai dám đầu tư nữa?”, một giám đốc doanh nghiệp ở Tiền Giang, nói. Hai năm qua, doanh nghiệp vay vốn lãi suất 18 – 19%, có khi 20 – 22%/năm đầu tư nhà máy, kho bãi. Có doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm tỉ đồng, vừa mới xuất khẩu được vài mùa, chưa thể thu hồi lại vốn thì bị mất quyền.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia kinh tế, từng làm việc tại bộ Thương mại (nay là bộ Công thương) cho rằng, hạn chế xuất khẩu gạo theo kiểu gom đầu mối về 100 doanh nghiệp là theo ý muốn chủ quan của một số “ông lớn” trong ngành gạo chứ không phải nguyện vọng của số đông. Mặt hàng gạo, với hàng triệu nông dân sản xuất, sản lượng hàng chục triệu tấn, theo ông Bích, rất cần có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tham gia để tạo thêm tính cạnh tranh, giúp tiêu thụ lúa nhanh hơn với mức giá cao. Mở rộng đầu mối xuất khẩu còn nhằm hạn chế quyền hành rơi vào một nhóm doanh nghiệp, từ đó thị trường vận hành tốt hơn. Những năm trước, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo cũng từng để cho mọi thành phần doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Với vai trò quản lý, Chính phủ chỉ uỷ quyền cho hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiểm soát bằng giá sàn, thị trường tập trung và đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu gạo thời điểm đó vận hành khá suôn sẻ.
Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trả lời phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề bức xúc của doanh nghiệp liên quan đến giấy phép xuất khẩu gạo. Ông Phong khẳng định quyền cấp phép thuộc bộ Công thương và thực tế số liệu mà VFA nắm được thì đến nay chỉ còn 30 doanh nghiệp chưa được cấp giấy phép. Ông Phong cho rằng, sở dĩ phải đưa ra quy định kiểm soát đầu mối xuất khẩu còn không quá 100 doanh nghiệp là bởi trước đây, có nhiều trường hợp được cấp nhưng không xuất khẩu mà chỉ làm cung ứng nguyên liệu. Tuy nhiên, sau khi có nhiều ý kiến phản ánh, VFA đã đề nghị bộ Công thương tiếp tục cấp phép cho 30 doanh nghiệp còn lại, sau đó sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát, ai không xuất khẩu thì rút lại giấy phép. “VFA đã làm đơn đề nghị, còn thời gian nào cấp thì do bộ Công thương”, ông Phong nói thêm.
theo sgtt