Hàng nông sản Việt Nam: Cơ hội, thách thức chia đều
- Thứ bảy - 08/04/2017 23:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cơ hội lớn trước áp lực cao
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia và thực hiện cam kết của các Hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới sẽ đối mặt với nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng.
Cơ hội dễ dàng nhận diện nhất là hàng Việt Nam có thể thâm nhập nhiều hơn vào các thị trường lớn quốc tế, tiếp cận khoa học, công nghệ và thị trường hiện đại.
Cùng với đó, những thuận lợi mang tính nền tảng mà nền nông nghiệp Việt Nam hiện có sẽ tạo thêm sực mạnh cho hàng nông sản canh tranh với hàng hóa nước ngoài khi hội nhập.
Điển hình như: Cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi, minh bạch và ổn định dài hạn để thu hút đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) có sức cạnh tranh liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị; môi trường kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đang được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi giá trị từng bước được hình thành và phát triển theo chiều sâu; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng…
Tuy nhiên, thực tế, hàng nông sản Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Theo đánh giá của các chuyên gia, có tới trên 80% lượng hàng nông sản của nước ta ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài.
Cùng với đó là rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật tại “sân chơi” hội nhập mà hàng hóa nước ta phải đối mặt. Sự phát sinh tranh chấp thương mại nhưng năng lực giải quyết còn thấp là một trong những thách thức lớn.
Đặc biệt là trong bối cảnh nhận thức về luật pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và kinh nghiệm đối phó của các doanh nghiệp và hiệp hội DN, ngành hàng chưa đầy đủ.
Mặt khác, chậm điều chỉnh cơ cấu sản xuất để khai thác cơ hội thị trường và phát huy lợi thế so sánh của các vùng, trong khi quy mô sản xuất nhỏ, tổ chức sản xuất chưa hiệu quả và xuất hiện những nhân tố cản trở sự tăng trưởng ngành.
Giải pháp nào nâng cao giá trị?
Để phát huy cơ hội, lợi thế vốn có đồng thời đẩy lùi được các thách thức, nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta cần tập trung quan tâm đến các giải pháp sau:
Một là, đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch”.
Việc hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng. Chuỗi liên kết này phải được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của “4 nhà” (nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước).
Tạo sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến, cũng cần phải thiết lập mối quan hệ bền vững hơn giữa “4 nhà”, chỉ khi khắc phục được tình trạng này, thì mới tạo được nguồn cung nguyên liệu cũng như nông sản thành phẩm cho thị trường một cách chủ động và ổn định.
Hai là, xóa bỏ các rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đầu tư vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn luôn có nhiều rủi ro, ngoài ra, kết cấu hạ tầng nông thôn còn thiếu đồng bộ, hệ thống điện, nước, giao thông... cũng đang là rào cản đầu tư.
Cần có chính sách kết hợp với các DN cung cấp quy trình sản xuất ổn định, đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề, áp dụng khoa học – công nghệ cho nông dân.
Ba là, tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản. Việc xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa nông sản đã từng được nhiều chuyên gia chỉ ra là “mắt xích” quan trọng nhưng lại chính là khâu yếu hiện nay. Các DN cần chủ động tổ chức vùng nguyên liệu, đặt hàng nông dân, tổ chức mạng lưới phân phối.