Hành tím Vĩnh Châu đột nhiên tăng giá

Hành tím Vĩnh Châu đột nhiên tăng giá
Sau thời gian dài bị thị trường nhập khẩu hành tím lớn nhất là Indonesia “cấm vận”, khiến giá hành tím ở Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) rớt giá thê thảm, nông dân điêu đứng, thời gian gần đây, giá hành tím đã tăng trở lại. Tuy nhiên, nông dân cũng hết hàng để bán.

 

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, ở thời điểm hiện tại, giá hành tím tăng rất cao (từ 17 – 18 ngàn đồng/kg, tùy loại). Các thương lái tranh nhau vào thu gom tại nhà dân, nhưng vẫn không có hàng vì đã là cuối vụ.

Theo ông Công, toàn vùng trồng hành tím ở Vĩnh Châu hiện tại chỉ còn khoảng trên dưới 10 hộ là còn hàng để bán với giá cao, quân bình mỗi hộ khoảng 5 đến 7 tấn. “Những hộ này đa phần là có kinh tế ổn định nên SX đúng quy trình không chạy theo sản lượng, sản phẩm họ làm ra có chất lượng tốt, bảo quản được lâu.

Khi giá thấp họ không bán mà trữ lại chờ giá tăng vào cuối vụ. Còn đa số người dân ở địa phương vì không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng, nên sản phẩm làm ra có chất lượng thấp, buộc phải bán ra dù giá rẻ bèo, chỉ khoảng 5 -6 ngàn đồng/kg ở thời điểm đầu vụ”, ông Công nói.


Hành tím tăng giá khi nông dân hết hàng

Ngành chức năng địa phương cho biết, trong vụ SX vừa qua, toàn thị xã Vĩnh Châu có hơn 7.000 ha hành tím. Địa phương này được xem như là “thủ phủ” hành tím của khu vực ĐBSCL, tổng sản lượng cung ứng ra thị trường hằng năm lên đến hơn 150 ngàn tấn.

Theo ông Công, vụ hành tím vừa qua chỉ có một số ít nông dân ở Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lạc Hòa bán được hành tím với giá cao (khoảng 12 – 15 ngàn đồng/kg, vụ hành sớm), chiếm khoảng 600 ha. Diện tích còn lại được thu hoạch tập trung vào tháng 2-3/2013, đúng vào thời điểm Indonesia dựng rào cản nhập khẩu hành tím của địa phương sang nước này, khiến cho giá hành thời điểm này rất thấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Đức Vinh, GĐ DNTN Đức Vinh, chuyên thu mua chế biến, XK hành tím tại thị xã Vĩnh Châu, giọng đượm buồn: “Đầu vụ khi người dân thu hoạch rộ, lượng hành tím rất lớn, nhưng lúc đó giá quá bèo vì các DN trên địa bàn không thể XK sang nước bạn được. Còn hiện tại khi đã hết mùa, giá hành lại tăng nhưng DN và nông dân cũng không còn hàng để bán”.

Bà Lâm Thị Xà Phước, ngụ ở thị xã Vĩnh Châu, mếu máo: “Nông dân chúng tôi luôn là những người chịu thiệt. Vụ hành vừa qua gia đình bán hết hàng cũng không bù lại đủ chi phí đã bỏ ra do bán với giá quá thấp trước đó”.

Một nghịch lý đang tồn tại ở “vựa” hành tím của khu vực ĐBSCL này là việc bị các nước nhập khẩu luôn gây khó dễ trong việc tiệu thụ, mặc dù sản phẩm chủ lực của địa phương đã được cấp chứng nhận mô hình SX hành tím theo tiêu chuẩn Global GAP (chứng nhận việc thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) .

Nói về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu, cho biết, ngành chức năng địa phương đã có văn bản trình lên UBND tỉnh Sóc Trăng, Sở Công Thương… yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiến nghị lên Bộ Công Thương nhằm tìm giải pháp thích hợp cho hành tím Vĩnh Châu có lối đi ổn định ở thị trường Indonesia.

HOÀNG HẠNH
 Theo nongnghiep.vn