Hạt gạo và chiếc ghế VFA!
- Thứ sáu - 19/06/2015 05:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ĐBSCL được mệnh danh là vựa lúa cả nước. Thế nhưng việc tìm một phương thức sản xuất phù hợp vẫn khó khăn. Câu chuyện lúa gạo Việt Nam đang “đong đầy” thêm những lo toan. Có lẽ đó hệ lụy tất yếu của một thời gian dài kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”!
Dấu lặng từ “chiếc ghế trống”!
ĐBSCL bao gồm toàn bộ không gian lãnh thổ của 13 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có diện tích đất tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm khoảng 12% diện tích, 22,8% về dân số cả nước; là địa bàn rộng và đông dân cư đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế của Việt Nam. Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa
Hàng năm, vùng này đóng góp 55% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 58% sản lượng thủy sản, riêng tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của quốc gia. Thế nhưng, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các doanh nghiệp như “bán phá giá”, pha trộn tạp chất đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không thể không nói đến vai trò điều hành của hiệp hội ngành nghề!
Trong điều kiện sản xuất như vậy, chất lượng hàng nông sản không đồng đều, không truy xuất được nguồn gốc là hệ quả đương nhiên. Đã bước sang tháng 6-2015 và “quỹ thời gian” quí II cũng khép lại. Nhưng xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới vượt qua ngưỡng 2 triệu tấn. Có lẽ đây là kết quả ảm đạm trong nhiều năm trở lại đây!
Cùng lúc ông Nguyễn Hùng Linh - nguyên chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch - thương mại Kiên Giang (KTC) bị khởi tố và bắt tạm giam. Trước đó, theo điều lệ của VFA, ông Linh bị đình chỉ chức vụ phó chủ tịch VFA.
Ông Linh được bầu giữ chức vụ chủ tịch VFA trong một cuộc họp Ban Chấp hành VFA ngày 20/3/2014 trái quy định. Sau đó, cơ quan chức năng không công nhận chức danh này. Cũng thời gian này, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Trường Hùng, Tổng giám đốc, cùng kế toán trưởng và trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Lương thực Hậu Giang, để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hồi tháng 3/2015, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch điều hành VFA cho biết: “Đang hoàn thiện các qui trình để trình Bộ Nội vụ phương án bầu lại chủ tịch VFA mới. Dự kiến, sẽ bầu lại chức danh này trước tháng 6/2015”. Tuy nhiên, hiện này đã bước vào tháng 6/2015, “chiếc ghế trống - chủ tịch VFA” vẫn là một dấu hỏi lớn! Dư luận không khỏi “bàn ra, tán vào” vị trí VFA có những “đặc lợi ẩn khuất” gì!?
Tái cơ cấu VFA theo hướng minh bạch!
Số liệu tổng điều tra nông dân, nông nghiệp và nông thôn gần đây nhất của nước ta cho thấy, trong khi quỹ đất nông nghiệp chỉ có hơn 10 triệu ha thì có tới gần 12 triệu hộ sử dụng, tức là bình quân mỗi hộ chỉ có 8.475 m².
Nông dân đang bán lúa cho thương lái
Trong đó, riêng đất trồng lúa chỉ có 4,12 triệu ha thì có tới 9,271 triệu hộ sử dụng - bình quân mỗi hộ chỉ có 4.444 m². Trong điều kiện quy mô nhỏ và quá nhỏ như vậy, việc sản xuất chủ yếu vẫn theo tập quán và dựa trên kinh nghiệm của riêng từng hộ. Trong bối cảnh đó, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn (CĐL) là một nhu cầu cấp bách để tạo ra sản lượng lúa hàng hóa lớn, đồng đều chất lượng với một vài giống lúa chủ lực!
Hiện nay, diện tích lúa sản xuất CĐL gần đạt ngưỡng 300.000 ha. Song mô hình này cũng lộ ra những khiếm khuyết mà cụ thể là “hụt hơi” trong mối “giao kèo” giữa doanh nghiệp và nông dân – hai chủ thể chính trong quá trình liên kết sản xuất theo CĐL. Gần đây, rất nhiều chuyên gia nông nghiệp khi nói về mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong CĐL hay đề cập đến Công ty CP vật tư nông nghiệp An Giang (AGPPS). Chuyên gia nông nghiệp Lê Đình Bích đánh giá cao mô hình này. Chỉ có doanh nghiệp có tiềm lực mạnh mới đủ sức làm “hạt nhân” xây dựng Cánh đồng lớn. Thực tế triển khai vừa qua cho thấy, AGPPS và một vài doanh nghiệp nông nghiệp là một thí dụ cụ thể.
AGPPS đã phát hành hơn 1,8 triệu cổ phiếu trị giá hơn 56 tỷ đồng cho 1.724 nông dân miền Tây để gắn bó lợi ích sống còn với công ty, đặc biệt là tham gia CĐL, biến nông dân thành cổ đông công ty, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân nông nghiệp tương lai là một hướng đi cần được hỗ trợ nhiều hơn bằng cơ chế, chính sách để không “bị nghẽn” bởi các quy định pháp lý về thẩm quyền quyết định của loại hình công ty cổ phần trong tay các cổ đông chi phối, nhất là trong điều kiện các công ty cổ phần nông nghiệp lên sàn giao dịch chứng khoán.
CĐL đang là một mô hình tốt, là “nguồn cung thực tiễn” sinh động để các cơ quan Trung ương và địa phương hoạch định cơ chế, chính sách hỗ trợ, tổ chức triển khai thực hiện. Nhưng vẫn còn đó nỗi lo lớn, đặt ra trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp, nông dân mà đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách mới hơn, mạnh mẽ hơn từ cơ quan hoạch định chính sách để tháo gỡ, mang lại hiệu quả cao hơn.
Thực tiễn cho thấy, có những vấn đề vượt ra ngoài tầm của doanh nghiệp. Nó đòi hỏi sự chuyển đổi căn bản, toàn diện và cần những cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ cơ chế, chính sách đồng bộ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, cải cách doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới!
Điều “trái khoáy” là khi nói đến mô hình CĐL người ta nhắc nhiều đến AGPPS – một doanh nghiệp khởi nguồn kinh doanh từ thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều năm qua chứ không phải một doanh nghiệp thành viên VFA có thâm niên lâu năm như Công ty Lương thực miền Nam chẳng hạn!? Khó có thể trả lời “có hay không” thành viên VFA lâu nay được “cưng chiều” trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, gắn với những “đặc quyền ngầm”!? Vụ trong 10 ngày đầu tháng 6-2015, hai lãnh đạo ngành kinh doanh lương thực bị bắt là “hồi chuông” cảnh báo về những rạn nứt nền tảng của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Chính vì vậy, việc nhanh chóng tái cơ cấu lại tổ chức VFA, minh bạch chọn lựa người có nhiệt quyết và am hiểu về lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo để lèo lái “con thuyền VFA” là rất cấp thiết!
Theo dantri.com.vn