Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Cơ hội cho nông thủy sản Việt Nam
- Thứ tư - 06/05/2015 21:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, hai bên đã thống nhất toàn bộ nội dung Hiệp định VKFTA mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích. Các nội dung chính gồm: Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý.
Theo Hiệp định, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa của Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế. Đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Việt Nam cũng là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241 - 420%).
Riêng với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN. Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Bộ Công Thương cho biết, việc ký kết Hiệp định VKFTA là một bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, góp phần tích cực phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, theo hướng ổn định, lâu dài, góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, Hiệp định cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam như: Tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước; Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ; Các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần phải nhận thức đầy đủ hơn về tiến trình hội nhập nói chung và việc thực hiện Hiệp định VKFTA nói riêng...
>> Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc 4 tháng đầu năm 2015 đạt 118,8 triệu USD. |