Hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước
- Thứ ba - 11/02/2020 21:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước tình hình một số mặt hàng nông sản như thanh long, mít, nhãn… rớt giá do gặp khó khăn trong xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV, Sở Công thương TP.HCM cho biết, đã làm việc với Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM và các hệ thống phân phối trên địa bàn, 3 chợ đầu mối, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm (có chức năng sấy khô nông sản), triển khai các giải pháp.
Cụ thể, các hệ thống phân phối, 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) tăng cường tổ chức thu mua các mặt hàng thanh long, dưa hấu; đồng thời kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá, khuyến mãi, tổ chức khu vực chuyên doanh các mặt hàng này…
Đến nay, Sở Công thương TP.HCM đã phối hợp Long An, Bình Thuận và các tỉnh, thành khu vực phía Nam tập trung kết nối vào các hệ thống phân phối có mạng lưới kinh doanh trên cả nước như Sài Gòn Co.op. BigC, Vinmart…
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay, với các giải pháp kích cầu của các đơn vị phân phối, sự đồng hành của người tiêu dùng TP; sau thời gian ngắn thực hiện, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Đơn cử như Sài Gòn Co.op, từ ngày 3 - 9/2, tiêu thụ 84 tấn thanh long, 80 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 12 tấn thanh long; 11,5 tấn dưa hấu) tăng 2,5 - 3,5 lần so ngày thường.
Còn hệ thống Vinmart, từ ngày 6 - 9/2, tiêu thụ 85 tấn thanh long, 200 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 21,3 tấn thanh long, 50 tấn dưa hấu); tăng hơn 10 lần so ngày thường.
Hệ thống BigC, từ ngày 5 - 10/2, tiêu thụ 141 tấn thanh long, 228 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 23,5 tấn thanh long, 38 tấn dưa hấu); tăng gấp 4 - 8 lần so ngày thường.
Hệ thống Lotte, từ ngày 3 - 9/2 tiêu thụ 20 tấn thanh long, 50 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 2,8 tấn thanh long, 7,1 tấn dưa hấu); tăng gấp 3 lần ngày thường.
Hệ thống MM MEGA MARKET, từ ngày 4 - 10/2, tiêu thụ 30 tấn thanh long, 70 tấn dưa hấu.
Không chỉ tập trung tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị hiện đại, chợ truyền thống mà các doanh nghiệp chế biến nông sản cũng tăng cường tổ chức thu mua để sấy khô, trữ lạnh.
Trước tình hình dịch nCoV, nhiều người dân lo lắng tích trữ lương thực, thực phẩm, trong khi đó nhiều đối tượng lợi dụng tình hình đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
Để người dân an tâm, chủ động phòng, chống dịch nCoV, Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo cân đối cung – cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sữa trong giai đoạn này.
Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, Sở Công thương chủ động làm việc với các hệ thống phân phối có kế hoạch phân phối, cung ứng hàng hóa theo hình thức, phương thức phù hợp, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ gây tâm lý hoang mang; vận động các DN sản xuất, kinh doanh có chính sách, chế độ chăm lo người lao động hợp lý để an tâm tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng trong giai đoạn cấp bách.
Ngoài ra, Sở Công thương cũng chuẩn bị phương án nhập khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác thay thế, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.