Hoàn thành kế hoạch mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân năm 2012 - 2013

Hoàn thành kế hoạch mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân năm 2012 - 2013
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân năm 2012 - 2013 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, trong bối cảnh quý I/2013 thị trường gạo thế giới có nhiều trầm lắng, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm; trong khi đó, tại thị trường trong nước, lượng gạo tiêu thụ nội địa và gối đầu sang vụ hè thu đạt 2 triệu tấn, xuất khẩu từ tháng 1 tới tháng 4 năm 2013 khoảng 2,5 triệu tấn và lượng gạo tồn dư là 2 triệu tấn. Trước tình hình đó, ngày 07/02/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 311/QĐ-TTg về mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2012 - 2013. Theo Quyết định này, có 1 triệu tấn thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2012 – 2013 được mua tạm trữ tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ 20/02/2013 tới 31/3/2013. Sau thời gian thực hiện, báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy việc mua thóc, gạo tạm trữ đã đạt 100% kế hoạch.

Về giá, trong quá trình tạm trữ, giá mua lúa khô loại thường (IR 50404) tại kho dao động từ 5.200 đồng - 5.400 đồng/kg, quy ra giá mua lúa khô tại ruộng từ 5.100 đồng - 5.300 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước tạm trữ từ 100 đồng - 200 đồng/kg. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với giá thành sản xuất lúa bình quân của toàn vùng ĐBSCL vụ Đông Xuân 2012 - 2013 là 3.616 đồng/kg, thì chênh lệch với giá thu mua là từ 38 - 46%. Tuy nhiên phần chênh lệch này không phải hoàn toàn là người sản xuất lúa được hưởng và không phải giống nhau ở các địa phương, vì tỷ lệ lúa, gạo mà doanh nghiệp mua trực tiếp của nông dân còn thấp và đặc thù của mỗi địa phương không giống nhau.

Về các khoản cho vay tín dụng, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay mua tạm trữ đạt 7.612 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch; dư nợ các khoản vay đến thời điểm 31/3/2013 là 7.571 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay bình quân của hầu hết các ngân hàng đếu áp dụng ở mức lãi suất ở mức 10% - 10,5%/năm.

Qua thời gian thực hiện việc mua tạm trữ, đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy đã góp phần tạo điều kiện cho nông dân và thương nhân chủ động trong thu hoạch và tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, biểu dương sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và đặc biệt là sự vào cuộc các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc giao chỉ tiêu mua tạm trữ chưa đáp ứng được hết nhu cầu tiêu thụ  lúa, gạo trên một số địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng tạm trữ chỉ bằng khoảng 15% tổng sản lượng cần tiêu thụ trên địa bàn. Thời gian thu hoạch và tiêu thụ lúa, gạo cũng khác nhau giữa các tỉnh. Mặt khác, sự phân bổ của các doanh nghiệp tham gia tạm trữ khác nhau theo tỉnh.

Lý giải về việc quá trình thực hiện tạm trữ, tác động tăng giá mua lúa, gạo trên thị trường không lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, giá lúa gạo trong nước phụ thuộc không chỉ vào quan hệ cung - cầu trong nước mà còn chịu ảnh hưởng của giá xuất khẩu. Về xuất khẩu, so với cùng kỳ năm 2012, giá gạo xuất khẩu quý I năm 2013 đã giảm bình quân 44,52 USD/tấn. Hiện nay, giá xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm, các thương nhân tham gia tạm trữ lúa, gạo gặp khó khăn do tiêu thụ chậm và có nguy cơ bị lỗ. Giữ được giá lúa ít biến động, trong khi giá xuất khẩu giảm và đảm bảo cho người nông dân sản xuất có hiệu quả chính là một thành công từ chính sách tạm trữ của Chính phủ. Để giữ được giá trong nước có lợi cho nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Do đó, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo việc đẩy mạnh xuất khẩu để giữ giá lúa, gạo trong nước; hướng dẫn và khuyến khích sử dụng các giống lúa xác nhận, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến. Đồng thời, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, gắn kết doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng và giá trị cao.

Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam