Hướng đi mới cho cây đậu nành Việt Nam

Những ngày đầu tháng 11 năm 2015, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đã tổ chức buổi Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ứng dụng Công nghệ cao và đồng bộ cho việc bảo toàn và phát triển đậu nành Tây nguyên” tại Huyện Cư Jut, Đắk Nông. Đến tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu cây đậu nành trong và ngoài nước.
Hướng đi mới cho cây đậu nành Việt Nam

Diện tích sản xuất và sản lượng đậu nành trên thế giới không ngừng tăng lên trong suốt 3 năm qua: 283,15 triệu tấn (2013), 318,95 triệu tấn (2014), 320,89 triệu tấn (tính đến tháng 10/2015). Trong khi đó, diện tích và sản lượng đậu nành Việt Nam lại giảm dần qua từng năm do sự thiếu hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác và chênh lệch giá quá cao so với đậu nành nhập khẩu. Theo số liệu từ Vinasoy cung cấp, năm 2014 cả nước có 111.200 ha trồng đậu nành (giảm 6.000 ha so với năm 2013), năng suất bình quân chỉ đạt 1,43 tấn/ha, nhập khẩu 1,2 triệu tấn từ nước ngoài. Tính đến tháng 9 đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu 1,27 triệu tấn (nhập khẩu đáp ứng 93% nhu cầu trong nước, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 7%). Giá đậu nhập khẩu tháng 10/2015: 15.000 đồng/kg, trong khi giá đậu nành Việt Nam tại các chợ đầu mối từ 18.000 -20.000 đồng/kg. Các chuyên gia trong Hội thảo cũng đã phân tích chi phí sản xuất đậu nành tại Việt Nam gấp 173%, giá thành sản xuất gấp 179% so với sản xuất tại Mỹ.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Henry T. Nguyễn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CNSH Đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri), giống đậu nành được trồng ở Mỹ trung bình có năng suất gần 3 tấn/ha, có những vùng nông dân canh tác tốt đạt đến 10 tấn/ha. Nếu trước đây,việc cho ra giống mới mất hàng chục năm thì nay đã rút xuống còn vài năm. Với giống đậu nành tốt, năng suất cao, phù hợp với địa phương sẽ giúp giảm chi phí trong sản xuầt rất nhiều. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Vương Đình Trị (Trung tâm Nghiên cứu CNSH Đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Missouri) cũng cung cấp thêm, giống đậu nành ngoại nhập thường không phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương Việt Nam. Trong nước ta có rất nhiều giống đậu nành chất lượng tốt, đã được thị trường ưa chuộng nhưng theo thời gian canh tác đã thoái hóa dần, mất đi một số ưu điểm nổi trội. Công nghệ sinh học phân tử là phương tiện giúp phục tráng giống địa phương, kết hợp lại những ưu điểm, rút ngắn thời gian cho khâu chọn tạo giống mới, giảm chi phí của quy trình chọn lọc, phát triển giống, mà không nhất thiết phải sử dụng đến kỹ thuật chuyển gen.

KS. Lê Duy Trác – Chuyên gia trồng trọt – Cty CP Đường Quảng Ngãi cho biết công ty đã nghiên cứu khảo nghiệm thành công các biện pháp canh tác đậu nành trên vùng đậu nành truyền thống và luân canh trên vùng độc canh bắp. Công ty còn kết hợp canh tác hữu cơ theo lộ trình với châm ngôn “lấy những gì của đất thì trả lại cho đất”. Theo kỹ sư, công ty có một bộ phận chuyên làm dịch vụ về cơ giới hóa, với máy móc và thiết bị hiện đại từ khâu làm đất đến thu hoạch. Công ty sẽ đồng hành cùng nông dân trong việc đưa giống mới, canh tác mới và cơ giới hóa vào sản xuất đậu nành. Tương lai, công ty định hướng phát triển vùng nguyên liệu đậu nành Tây Nguyên đến 2020 là 15.000 ha (trong đó, vùng đậu nành truyền thống 8.000 ha; vùng bắp chuyển đổi luân canh là 5.000 ha; vùng cao su hợp tác chuyển đổi là 2.000 ha).

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi – Ông Võ Thành Đàng nhấn mạnh công ty dựa trên lợi ích của người nông dân, và lấy chữ tín để hợp tác với nông dân, tạo vùng nguyên liệu cho công ty. Mô hình liên kết sẽ được triển khai cho người nông dân thấy rõ lợi ích, từ đó người nông dân mới tự nhân rộng trên toàn địa phương, nông dân là nhân tố quan trọng trong mô hình liên kết này. Theo ông mang lại lợi ích cho người nông dân chính là đem đến thành công cho công ty. Đó cũng chính là tâm huyết của toàn thể nhân viên công ty.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo như sau cây đậu nành được xem là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam, cần tìm cách vực dậy cây trồng này, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người trồng. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt cho sự thành công chuỗi giá trị cây đậu nành. Việc đưa công nghệ sinh học phân tử để lai tạo ra giống bản địa chất lượng cao là tín hiệu tích cực cho sự phát triển cây đậu nành tại địa phương.

Hi vọng mô hình liên kết giữa nhà nước – nhà nghiên cứu – nhà doanh nghiệp – nông dân như Công ty CP Đường Quảng Ngãi thực hiện sẽ thành công trong phát triển diện tích trồng đậu nành trong tương lai, giảm nhập khẩu và lệ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Từ đó, nhân rộng mô hình không chỉ ở vùng Tây Nguyên mà còn đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp – góp phần thành công Đề án Tái Cơ cấu ngành nông nghiệp.

Việt Anh
Nguồn: bannhanong.vn