Khẩn cấp chấn chỉnh xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ
- Thứ năm - 29/03/2018 03:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhà vườn đang ứng dụng kỹ thuật bao trái vú sữa theo yêu cầu của DN xuất khẩu |
Dù mới được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ, nhưng thời gian gần đây xuất hiện tình trạng do thiếu nguồn nguyên liệu, một số doanh nghiệp (DN) có hiện tượng pha trộn sản phẩm vú sữa ngoài vùng trồng được cấp mã code vào các lô hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ nên có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu trái vú sữa Việt Nam.
Pha trộn hàng không đạt chuẩn
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, trước tình thu mua trái vú sữa xuất khẩu của một số DN không đảm bảo mẫu mã, chất lượng chưa đạt chuẩn có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm vì gây mất lòng tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ, mới đây Sở đã có công văn gửi Cục BVTV yêu cầu kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng cây vú sữa để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã có công văn nêu rõ những hạn chế của một số DN xuất khẩu trái vú sữa làm ăn thiếu lành mạnh; đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chuyên ngành có liên quan trực thuộc Bộ phối hợp với các địa phương có xây dựng vùng trồng cây vú sữa kiểm tra, giám sát chặt chẽ về xuất xứ, mẫu mã, chất lượng các lô hàng trái vú sữa xuất khẩu của các DN trong nước trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu.
Hiện việc xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ vẫn đang rất khả quan và vượt qua sự kỳ vọng. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, có gần 250 tấn vú sữa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Con số này sẽ chưa dừng lại khi những vùng chuyên canh vú sữa xuất khẩu ở ĐBSCL được quy hoạch và phát triển bền vững. |
Theo tìm hiểu, tại vùng ĐBSCL hiện có 3 tỉnh trồng vú sữa gồm Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ, với khoảng 13 DN tham gia xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ.
Tiếp xúc với PV, ông Trần Văn Sang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, tỏ ra rất bức xúc: “Sau khi phát hiện ra sản phẩm trái vú sữa của Việt Nam kém chất lượng, người tiêu dùng Mỹ và Việt kiều cũng vô cùng lo lắng.
Dù là doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ nhưng chúng tôi sẵn sàng yêu cầu các ngành chức năng tạm thời đóng cửa xuất khẩu mặt hàng vú sữa để chấn chỉnh, siết chặt lại việc kiểm dịch trái cây xuất khẩu, nếu không sớm muộn chúng ta sẽ mất thị trường lớn đầy tiềm năng này”.
Nhà vườn thu hoạch vù sữa cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, Sở cũng đã tổ chức một số buổi làm việc với các DN tham gia hoạt động xuất khẩu trái vú sữa (thu mua tại Tiền Giang) để chấn chỉnh hoạt động này. Hiện tỉnh đang chỉ đạo chuẩn bị cho mùa vụ vú sữa mới 2018-2019 cho tốt, các DN cần phải ổn định và phát huy tốt vùng trồng đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Việc cấp mã số vùng trồng do Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (TTKDTVSNKII) kiểm tra, đánh giá, cấp mã số (điều kiện để được cấp mã số là diện tích trồng tối thiểu từ 10 ha trở lên và phải được định vị, có danh sách hộ nông dân tham gia vào vùng trồng và được UBND địa phương xác nhận) và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.
Tăng cường kiểm tra
Theo Cục BVTV, để chấn chỉnh các hoạt động sản xuất và xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ, Cục BVTV và KDTVSNKII cũng đã tổ chức cuộc họp thảo luận khẩn cấp với Sở NN -PTNT tỉnh Tiền Giang và 13 DN tham gia hoạt động xuất khẩu trái vú sữa. Do đó, các địa phương vùng trồng vú sữa và các DN xuất khẩu cũng đã nghiêm túc thực hiện những nội dung cần triển khai trong thời gian tới theo chỉ đạo.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Vừa qua để xảy ra việc một số lô hàng vú sữa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ không đạt chất lượng là rất đáng tiếc. Thực ra vấn đề này đối với kiểm dịch thì cho phép, nhưng người tiêu dùng của Mỹ lại lo sợ...”.
Đóng gói hàng vú sữa đạt chuẩn xuất khẩu |
Theo ông Thiệt, trước tình hình đó, Cục BVTV đã kịp thời chấn chỉnh lại ở phía vùng trồng vú sữa của ta, tăng cường tần suất kiểm tra và số lượng mẫu kiểm. Nếu phát hiện lô hàng nào bị nhiễm đối tượng KDTV thì sẽ không cho xuất khẩu. Đồng thời, trong mùa vú sữa mới buộc các nhà vườn phải áp dụng kỹ thuật bao trái 100%. Các đơn vị kinh doanh cần đưa ra kế hoạch xuất khẩu vú sữa cụ thể tương ứng với việc xây dựng vùng trồng.
“Hiện DN chúng tôi vẫn đang xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ bình thường vì sản phẩm làm đúng quy trình và tạo được thương hiệu uy tín. Tuy nhiên, công ty đang gặp khó khăn khi đã sắm được thiết bị xử lý hơi nước nóng với mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, nhưng lại phải “đắp chiếu” chưa đưa vào vận hành dù đã làm các thủ tục theo yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận. Rất mong Cục BVTV sớm hỗ trợ công ty kết nối với ngành chức năng của nước nhập khẩu để thẩm định nhằm đưa thiết bị vào phục vụ cho xuất khẩu trái cây trong thời gian tới”. Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường |
Ông Lê Văn Thiệt - Phó cục trưởng Cục BVTV: Nếu vi phạm sẽ không cho xuất khẩu Cục đã thống nhất với các DN, cần đánh giá sản lượng của vùng mã số và tỉ lệ bao trái sẽ quy ra số lượng, nếu phát hiện có trái vú sữa không bao trái thì sẽ không cho DN xuất khẩu”. |